TRÀ VINH

Huyện Cầu Ngang: Vững bước đi lên

08:29:08 | 27/4/2022

Với định hướng đúng đắn trong việc khơi dậy lợi thế, khai phá tiềm năng và tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng đất Cầu Ngang đang từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Để tạo nền tảng tiếp tục bứt phá, vững bước đi lên, huyện đang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư.


Tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang do người dân chung tay xây dựng, góp phần xây dựng nông thôn mới

Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh

Cầu Ngang là huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Trà Vinh, tiếp giáp với 15km bờ biển. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đang dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với diện tích, sản lượng và giá trị liên tục tăng. Huyện đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, nuôi trồng theo hướng tập trung, thâm canh, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Song song với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp được xác định là bước đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Cầu Ngang những năm gần đây. Đến nay huyện đã đầu tư hạ tầng 01 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây); huyện có 171 doanh nghiệp với 1.276 lao động và 4.180 cơ sở sản xuất, kinh doanh với 8.283 lao động. Cùng với đó, nhiều dự án lớn được đầu tư trên địa bàn huyện, ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế.


Lễ hội Cúng biển Mỹ Long

Đặc biệt, Cầu Ngang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ngoài những nét văn hóa đa dạng, phong phú, huyện còn được thiên nhiên ưu đãi 3 vùng nước mặn, ngọt, lợ thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp với các cồn xanh mướt bên sông Cổ Chiên như: Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Mỹ Long Bắc), Hàng Dương (thị trấn Mỹ Long),… Huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; phấn đấu đón 200.000 lượt khách du lịch/năm.

Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, KT-XH của huyện những năm qua đã có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân mỗi năm khoảng 12%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,8%, giá trị dịch vụ cũng tăng 39,2 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông nghiệp từ trên 80% giảm xuống còn dưới 40%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 3% tới trên 32%, dịch vụ từ 17% tăng tới trên 28%.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cầu Ngang phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất 5 năm đạt 114.129 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm từ 12,5 - 13,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.000 tỷ đồng; thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 12%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới 

Đến nay, huyện Cầu Ngang đã có 12/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đến tháng 4 năm 2022 sẽ có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2022, Cầu Ngang phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM.

Xác định phát triển cơ sở hạ tầng là động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng mục tiêu NTM, với nguồn lực sẵn có và tranh thủ các nguồn vốn tỉnh, trung ương, huyện đã cơ bản phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở, kỹ thuật (viễn thông, điện, nước sạch)…

Hàng năm, huyện có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến đường, cầu bị hư hỏng đảm bảo giao thông được thông suốt và an toàn đạt 100%. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến đường ĐT.915B, là trục giao thông huyết mạch nối liền thành phố Trà Vinh với thị xã Duyên Hải đi qua địa bàn huyện, tạo động lực phát triển các địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch biển.

Bên cạnh đó, Cầu Ngang cũng chủ động thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ đó, diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày một cải thiện. Công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 2,95%/năm; vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,9%/năm.

Ngoài ra, thực hiện đề án xây dựng huyện NTM, huyện quan tâm công tác tư vấn, hướng dẫn đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM và giảm nghèo tại địa phương.

Về định hướng thu hút đầu tư, Cầu Ngang huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một trong những giải pháp được Huyện ủy, UBND huyện thực hiện quyết liệt trong thời gian qua là đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây. Việc sớm đưa Cụm công nghiệp đi vào hoạt động không chỉ tạo đột phá thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp mà còn góp phần giải quyết nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ngà - Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết, với tâm thế sẵn sàng chia sẻ và hợp tác, huyện sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đề xuất các dự án đầu tư; tăng cường giới thiệu, công bố rộng rãi các thông tin quy hoạch, lĩnh vực thu hút đầu tư của địa phương...

 “Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để thực hiện các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đảm bảo an ninh trật tự; giải quyết kịp thời các vướng mắc cho nhà đầu tư...”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ngà khẳng định.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch Cầu Ngang

Cầu Ngang có 15km bờ biển và nằm trên cung đường “Hành trình kết nối từ sông ra biển” của Trà Vinh. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Khmer, Hoa...), với những nét văn hóa phong phú; ngoài ra, vùng đất này còn có các đặc sản độc đáo, nổi tiếng gần xa như: bánh tét lá ngót nhân thập cẩm Trà Cuôn, cốm dẹp Ba So, tôm khô Vinh Kim…
Để khai thác những giá trị này, Cầu Ngang xác định kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái là hướng phát triển bền vững. Huyện đã đẩy mạnh xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nguồn: Vietnam Business Forum