TRÀ VINH

Agribank Trà Vinh: Tiên phong phục vụ, phát triển Tam nông

08:10:47 | 27/4/2022

Kể từ khi gắn bó với mảnh đất Trà Vinh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trở thành ngân hàng tiên phong của tỉnh trong lĩnh vực cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Giám đốc phụ trách điều hành Agribank Trà Vinh đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề này. Công Luận thực hiện.

Bước vào triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Agribank Trà Vinh đã nỗ lực ra sao để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 17/1/2022 của Hội đồng thành viên Agribank, ngay từ đầu năm, Agribank Trà Vinh đã xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời, triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhất là khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 sớm khôi phục hoạt động. Đầu tư kịp thời đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi SXKD.

Đến 30/3/2022, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 10.596 tỷ đồng với 75.670 khoản vay, trong đó: Dư nợ pháp nhân 460 tỷ đồng, cá nhân 10.136 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 90% tổng dư nợ.

Với vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho Tam nông, thời gian qua Agribank Trà Vinh triển khai chương trình cho vay theo NĐ 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ "Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn" đạt những kết quả khả quan nào?

Quán triệt chủ trương của  Đảng và Nhà nước về chính sách Tam nông, sau khi Chính phủ ban hành NĐ 55/2015/NĐ-CP, NĐ 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung NĐ 55/2015/NĐCP; NHNN ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN (TT 14), Agribank ban hành Quyết định số 515/QĐ-HĐTV-HSX ngày 31/7/2015 về việc quy định cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện NĐ số 55/2015/NĐ-CP, Agribank Trà Vinh xin ý kiến NHNN tỉnh Trà Vinh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế họach và triển khai thực hiện. Cụ thể phối kết hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai nghị quyết liên tịch với Agribank; đồng thời ký kết các thỏa thuận liên ngành thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo NĐ số 55/2015/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với Hội nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Chỉ đạo các chi nhánh loại II trực thuộc phối kết hợp với chính quyền địa phương, các cấp hội cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện NĐ 55/2015/NĐ-CP và các nghị quyết liên tịch, đến nay Nghị quyết liên tịch thật sự đi vào cuộc sống, được đông đảo thành viên các cấp hội ủng hộ và tham gia, cụ thể đã cho vay thông qua 936 tổ với 18.945 thành viên được vay vốn, doanh số cho vay 6.967 tỷ đồng, dư  nợ 1.584 tỷ đồng, đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho bà con nông dân…


Lễ cắt băng khai trương Agribank Nam Duyên Hải

Agribank không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn đến khách hàng đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Việc qui định cho vay đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn,…. không phải có bảo đảm bằng tài sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nhiều năm qua Agribank đã thực hiện hiệu quả giải pháp cho vay qua tổ nhóm, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, từ đó kịp thời cung ứng vốn giúp họ phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài ra Agribank còn triển khai dịch vụ ngân hàng lưu động đến tận địa bàn xã, thôn vùng sâu vùng xa.

Kinh tế tỉnh Trà Vinh đang phát triển nhanh, đa dạng, trong bối cảnh đó, Agribank Trà Vinh có sự nhạy bén ra sao trong việc đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ cung ứng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế?

Với những lợi thế sẵn có của mình về hệ thống mạng lưới, hạ tầng công nghệ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh  toán trong nước, hỗ trợ lãi suất vay vốn…, Agribank Trà Vinh tiếp tục duy trì, phát triển ổn định các sản phẩm dịch vụ truyền thống có thế mạnh như: huy động vốn, cấp tín dụng, dịch vụ thanh toán trong nước. . . Mặt khác Chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử trên nền tảng công nghệ số, từng bước xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, chuyên nghiệp và chất lượng, mang lại hiệu quả cho khách hàng như: Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking, eBanking….

Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Là ngân hàng lớn trên địa bàn, Agribank Trà Vinh đã triển khai ra sao?

Đối với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank Trà Vinh xác định đây là định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước cần phải triển khai thực hiện. Mặt khác, việc tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử trên nền tảng công nghệ số để giảm lượng khách hàng giao dịch tiền mặt tại quầy; trong nhiều năm qua, Agribank Trà Vinh đã tích cực, chủ động xúc tiến đàm phán, ký kết với nhiều nhà cung cấp dịch vụ công trên địa bàn trong lĩnh vực thu hộ, thanh toán hóa đơn; qua đó đã cung cấp cho hơn 7.000 khách hàng thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, học phí, kinh phí công đoàn,…qua các kênh thanh toán điện tử của Agribank với doanh số thanh toán hơn 600 tỷ đồng/năm, góp phần làm giảm đáng kể lượng tiền mặt giao dịch tại quầy. Trong định hướng sắp tới, để tiếp tục thúc đẩy nhanh, mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, một mặt Agribank Trà Vinh sẽ tăng cường công tác xúc tiến, đàm phán ký kết với nhiều nhà cung cấp dịch vụ; tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm dịch vụ đến khách hàng một cách có chiều sâu, đa kênh.

Cũng nằm trong mục tiêu chung thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen" trên địa bàn nông thôn, ngoài việc phát hành thẻ thấu chi, thẻ tín dụng cho khách hàng vay vốn, Agribank Trà Vinh cũng sẽ lắp đặt thêm nhiều máy POS (máy quẹt thẻ thanh toán) cho các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán ngay cả ở những vùng nông thôn xa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Để phát huy hơn nữa vai trò "bà đỡ" trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho người dân và DN phát triển, đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, thời gian tới Agribank Trà Vinh sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

Hiện nay, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn…

Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị phần trong bối cảnh hội nhập, trước mắt Agribank Trà Vinh tập trung giữ vững và củng cố vị thế chủ đạo và chủ lực trong vai trò cung cấp tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn; tập trung đầu tư phát triển các phân khúc thị trường đem lại hiệu quả cao tại các khu đô thị, khu vực công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng….; đẩy mạnh công tác huy động vốn, đặc biệt là các nguồn vốn có tính ổn định cao, có thời gian dài, đồng thời chú trọng đến tỷ lệ CASA ở mức phù hợp. Từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu; gắn đầu tư tín dụng với bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác đối với một khách hàng, đóng vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn. Tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để triển khai cho vay đến hộ nông dân thông qua tổ, nhóm; cải tiến, đơn giản hơn nữa các thủ tục vay vốn, đảm bảo cho hộ nông dân, DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất.

Ngoài ra Agribank Trà Vinh cũng sẽ triển khai áp dụng công nghệ thông tin, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ ngân hàng của Agribank; tăng thêm tiện ích đối với các sản phẩm dịch vụ hiện có, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thẻ, thanh toán chuyển tiền, trả lương qua tài khoản, SMS Banking, dịch vụ Agripay…; phát triển các dịch vụ internet banking, Mobile banking,  tổ chức thu tiền điện nước, trả lương qua tài khoản, triển khai các loại hình bảo hiểm… Đồng thời phát triển thương hiệu và xây dựng văn hóa DN Agribank, từng bước đưa Agribank trở thành "Lựa chọn số một" đối với khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, DNNVV, hợp tác xã tại các địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum