Qua 3 thập kỷ kể từ ngày tái lập tỉnh, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có sự phát triển khá rõ rệt và tương đối đồng bộ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), thúc đẩy thu hút đầu tư.
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông
Năm 1992 khi mới tái lập, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Trà Vinh khó khăn. Toàn tỉnh có 02 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 37km nhưng chỉ có 21km được trải nhựa; 04 tỉnh lộ với tổng chiều dài 126km và các huyện lộ đều là đường đất, ô tô chỉ có thể lưu thông với tải trọng hạn chế trong mùa khô. Lĩnh vực vận tải của tỉnh cũng còn rất hạn chế, cả tỉnh chỉ có 01 đơn vị nhà nước kinh doanh vận tải đường bộ với khoảng 20 phương tiện đều cũ kỹ, lạc hậu. Vận tải đường thủy tuy phát triển nhưng mang tính tự phát, chưa có sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Tuyến đường NTM kiểu mẫu ấp Tân Trung Giồng A, xã Hiếu Trung (huyện Tiểu Cần) - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống
Để giải quyết khó khăn trên, với phương châm “Giao thông đi trước một bước”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Trà Vinh đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho giao thông, đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, với các hình thức đầu tư như: PPP, BOT,… Nhờ đó, đến nay mạng lưới GTVT của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 978,38 km tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; trong đó, đường bê tông nhựa, láng nhựa là 863,87km (88,3%), đường đất, cấp phối là 114,51km (11,7%) và trên 5.500km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 04 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 271,46km; trong đó có 155km đường bằng bê tông nhựa và 116,46km đường láng nhựa. Một số công trình, dự án giao thông quan trọng vừa góp phần phát triển KT - XH, vừa tạo nên những điểm nhấn về cảnh quan, bộ mặt đô thị như: Cầu Long Toàn trên QL53; Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu trên địa bàn thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú; Cầu Cổ Chiên trên QL60;...
Song song với việc góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về giao thương, hệ thống giao thông của Trà Vinh còn giúp kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, Trà Vinh có bờ biển dài 65km và nằm giữa hai tuyến vận tải thủy quan trọng của vùng (tuyến Cửa Định An - Campuchia và tuyến sông Cổ Chiên - Sông Tiền) nên thuận tiện liên kết với các tỉnh, thành dọc sông: Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… và các nước trong khu vực bằng giao thông thủy.
Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cũng thúc đẩy phát triển lĩnh vực vận tải của Trà Vinh. Hiện toàn tỉnh có 109 đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa. Tỉnh phát triển mạnh các loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt, taxi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch và nhân dân.
Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm
Giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt phát triển vận tải biển. Trà Vinh không chỉ nằm ven sông lớn mà còn là một tỉnh duyên hải nhìn ra biển Đông, có hệ thống cảng sông, cảng biển thuận lợi với luồng cho tàu biển trọng tải lớn… do đó thuận lợi để trở thành một trung tâm giao thương mới của vùng và cả nước.
Trước mắt, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thành cảng biển Định An, cảng biển Trà Cú, hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và nhất là hình thành Trung tâm Logictics tại Duyên Hải, Trà Vinh (trong Khu kinh tế Định An) để phục vụ tiểu vùng kinh tế phía đông cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60; nâng cấp mở rộng các tuyến QL53, QL54, QL60, QL53B qua địa bàn tỉnh.
Ngành GTVT tỉnh đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và được HĐND tỉnh thông qua và phê duyệt tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 13/9/2021. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm như: dự án Đường tỉnh 915B, giai đoạn 2; dự án Hạ tầng giao thông kết nối trung tâm TP.Trà Vinh, huyện Châu Thành, Càng Long với QL60 và QL53 (giai đoạn 2); dự án Nâng cấp, mở rộng đường dẫn vào khu bến tổng hợp Định An, thị xã Duyên Hải; dự án cầu Ba Động kết nối hạ tầng du lịch biển Ba Động;…
Theo định hướng phát triển GTVT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống giao thông của tỉnh sẽ kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa các tỉnh lân cận và khu vực; từng bước, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo giao thông suốt và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI