Tỉnh Vĩnh Long xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ xuyên suốt nên không ngừng rà soát các “điểm nghẽn” để khắc phục và cải thiện. Đặc biệt trong bối dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, chính quyền tỉnh đã vào cuộc sát sao, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, đồng hành trước khó khăn của doanh nghiệp. Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.
Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra năm 2022 và các năm tiếp theo; qua đó tiếp tục hiện thực khát vọng về một Vĩnh Long phát triển năng động, xứng danh xưng Vĩnh Long - “luôn thịnh vượng” 190 năm qua, thưa ông?
Năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh dần thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 song dự báo còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngay từ các tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Sang năm 2022, Ban Chỉ đạo đã thành lập các Tổ công tác tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp giai đoạn 2, giai đoạn then chốt của lộ trình phục hồi kinh tế. Cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cụ thể:
(1) Nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh: Tỉnh đã công bố kịp thời cấp độ dịch trên địa bàn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết và chủ động trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng dịch Covid-19 đến nay đạt khá cao và tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin tăng cường cho người dân…
(2) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Tỉnh đã triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu phục hồi, mở rộng sản xuất. UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại để kịp thời nắm bắt và có hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Vĩnh Long vì đã có thành tích nổi bật trong thực hiện chính sách đối với người lao động, người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn vừa qua
(3) Đầu tư phát triển: Tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lấy đầu tư công là yếu tố dẫn dắt và lan tỏa, đóng góp tích cực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, trong đó xác định rõ lộ trình và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và UBND cấp huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư,… đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính lan toả trên địa bàn tỉnh để khai thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung triển khai phát triển các khu, cụm công nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực,... để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau.
Nhằm khơi thông tiềm năng, nguồn lực “xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững”, tỉnh đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ông nhìn nhận thế nào về các “điểm nghẽn” này và nỗ lực tháo gỡ trong thời gian tới?
Nhằm khơi thông tiềm năng, nguồn lực để xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững, tỉnh đang tích cực tháo gỡ các "điểm nghẽn" về kết cấu hạ tầng, nhân lực và cơ chế chính sách như sau:
Một là, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất và phát triển du lịch. Đến năm 2025, xây dựng mới và cải tạo 465km cầu, đường giao thông; 95% diện tích đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, chủ động tưới tiêu; 95% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ hộ dân có điện đạt 99,5%;…
Hai là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp bậc cao cho 300 lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và 700 lượt cấp quản lý bậc trung; đào tạo sau đại học 20 cán bộ làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghiên cứu khoa học kết hợp hỗ trợ đào tạo 10 tiến sĩ, 10 thạc sĩ.
Ba là về cơ chế chính sách: Trước tiên phải cụ thể hoá, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương về thuế, tín dụng,… đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đẩy mạnh rà soát hệ thống văn bản, bãi bỏ, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc. Kịp thời ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; phấn đấu huy động vốn đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 đạt 83.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% GRDP.
Bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn nêu trên, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Về quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tập trung chỉ đạo lập theo phương pháp tích hợp, dự kiến hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022. Các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng cũng được tích cực triển khai đồng bộ với quy hoạch tỉnh tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Về chuyển đổi số: Tỉnh đã và đang tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số; cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối 1.061 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch công quốc gia, triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng Truyền số liệu chuyên dùng 4 cấp hành chính. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin mở rộng đầu tư nội dung số; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 có 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng các hình thức thương mại điện tử.
Ông có thể cho biết công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được tỉnh Vĩnh Long quan tâm ra sao; đâu là điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới?
Trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định... Hàng năm, sau lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Vĩnh Long đều tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả đạt được, các điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra giải pháp khắc phục, cải thiện điểm số và thứ hạng; đồng thời, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Theo kết quả PCI do VCCI công bố, trong 5 năm 2016-2020, Vĩnh Long luôn nằm trong nhóm “tốt” và “rất tốt” (hai năm 2016 và 2017 hạng 6; năm 2018 hạng 8; năm 2019 hạng 3; năm 2020 hạng 6) và năm 2021 xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố với số điểm 65,43 và thuộc nhóm điều hành Khá. Kết quả khảo sát điều tra cho thấy doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng.
Do đó, tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư; phải quyết liệt hơn trong việc khắc phục hạn chế như: Công tác cải cách thủ tục hành chính; mức độ thân thiện của cán bộ công chức; về tiếp cận đất đai, chất lượng lao động, đăng ký doanh nghiệp hay tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý…
Xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ thường xuyên, các cấp chính quyền đang tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, tin tưởng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI