Với ý chí quyết tâm, sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tỉnh An Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững, mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông… Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên. Quốc Hưng thực hiện.
![]() |
Năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với tỉnh An Giang khi tròn 190 năm thành lập tỉnh. Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội?
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của tỉnh luôn gắn liền đến sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1986, khi đất nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, lúc này thế mạnh về nông nghiệp của An Giang bắt đầu được phát huy và tỉnh khẳng định thế mạnh của mình là nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là thuỷ lợi, tạo ra được một mạng lưới kênh mương chằng chịt trong tỉnh để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng lúa của tỉnh liên tục tăng, chất lượng tiếp tục được cải thiện nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đóng góp ngày càng cao cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đến nay, tổng sản lượng lúa hằng năm đạt trên 4,1 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 518,4 nghìn tấn, tương đương 281,10 triệu USD.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch…đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế biên giới Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương; đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư phát triển đô thị,… Kể từ đó, tình hình kinh tế của tỉnh An Giang duy trì được mức tăng trưởng cao và có xu hướng ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10,18% và tính chung trong hơn 20 năm qua thì kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2001-2020.
Tỉnh tiếp tục khẳng định nông nghiệp là nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, là ngành kinh tế chủ đạo của địa phương; thương mại, dịch vụ phát triển khá; chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo, từng bước cải thiện. Các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; tiềm lực quốc phòng được củng cố, vùng phòng thủ quốc phòng ngày càng vững chắc; chính trị ổn định; an ninh trật tự được đảm bảo.
Phát huy những thành tựu đạt được, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đặt ra thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Qua đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang thời gian vừa qua, tiếp thu các định hướng phát triển quốc gia và dự báo xu thế thế giới, tỉnh An Giang lựa chọn quan điểm phát triển phù hợp với đặc thù của tỉnh, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên ba trụ cột: Kinh tế, Xã hội và Môi trường.
Sao Mai Solar PV1 dưới chân Núi Cấm với phong cảnh hữu tình
An Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh An Giang có giải pháp như thế nào?
Về tăng trưởng kinh tế, tỉnh An Giang định hướng mục tiêu GRDP tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, phát triển du lịch và kinh tế số.
Về phát triển xã hội, tiếp tục giữ ổn định dân số, chú trọng cải thiện hạ tầng giáo dục, y tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin.
Về bảo vệ môi trường, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng; đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân; tăng cường công tác xử lý rác thải và kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các vấn đề môi trường.
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thời gian qua An Giang đã có những nỗ lực gì để đồng hành cùng doanh nghiệp?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh An Giang triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ triệt để, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tỉnh An Giang thường xuyên tổ chức “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhằm phục hồi sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp” trong các lĩnh vực: xây dựng; thuế; tín dụng; lao động, tiền lương, bảo hiểm; giao thông vận tải; thương mại, dịch vụ; y tế; tài chính; nông nghiệp. Với những nỗ lực này, kinh tế tỉnh An Giang trong năm 2021 vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương 2,15% trong bối cảnh hết sức khó khăn do đại dịch Covid-19.
Có thể nói, chủ trương đúng đắn kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế bắt đầu khởi sắc, phục hồi và phát triển ngay tức khắc để đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh; trong đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư là những nhân tố rất quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng này.
Ông tiếp tục có thông điệp gì gửi gắm đến các doanh nghiệp - nhà đầu tư?
Tỉnh An Giang cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, thích ứng linh hoạt, an toàn sau đại dịch Covid-19 và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh An Giang sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ. Trong đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; lấy mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức tỉnh An Giang quán triệt tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và hành động khi thi hành công vụ, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “đồng hành” và “phục vụ”, thay đổi từ cách tiếp cận, xử lý thông tin, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đảm bảo hiệu quả trong từng khâu, từng nhiệm vụ và có sự liên thông, liên kết, đan xen, hỗ trợ nhau giữa các ngành, lĩnh vực
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh An Giang mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh để định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp cũng như tham gia thực hiện các dự án của tỉnh đang kêu gọi đầu tư để “khơi dậy tiềm năng - hợp tác phát triển” như thông điệp của Hội nghị Xúc tiến đầu tư sắp tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum