Những năm gần đây, ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ của Kiên Giang đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh nhà. Đặc biệt, ngành đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhờ những giải pháp đồng bộ của địa phương.
Sản xuất xi măng tại nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang)
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang đồng thời đóng vai trò phụ trợ tích cực cho việc thúc đẩy ngành nông nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 46.515 tỷ đồng, tăng 133,40% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,9%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 11,20% năm 2015 lên 13,30% vào năm 2020.
Kiên Giang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, với tổng nguồn vốn đầu tư đạt 5.314 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động tại địa phương. Các dự án đều hoạt động có hiệu quả, đóng góp lớn vào nguồn thu của ngân sách tỉnh hàng năm.
Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Kiên Giang xác định sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh các nhóm ngành công nghiệp chủ lực, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (phát triển về chất lượng, giá trị gia tăng) và sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững các nhóm ngành công nghiệp.
Trong đó, tập trung đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các ngành, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn có lợi thế về tài nguyên như công nghiệp xi măng, chế biến nông - thủy sản (các sản phẩm có giá trị gia tăng từ gạo, thủy hải sản), về nhân lực như dệt may - da giày; nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, chưa có trên địa bàn như: Sản xuất, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu thủy (vận tải biển). Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ theo đặc thù của tỉnh.
Đóng gói cá ngừ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang
Thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu
Cùng với sản xuất công nghiệp, lĩnh vực thương mại của Kiên Giang cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt 545.798 tỷ đồng, (năm 2020 đạt 110.800 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,44%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 3.228,7 triệu USD, đến năm 2020 đạt 682,08 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,99%/năm, cao hơn giai đoạn trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là hàng nông sản (chiếm 33,4%), hàng thủy sản (chiếm 34,3%), hàng giày da (chiếm 20,8%) và hàng hóa khác (10,3%).
Hiện tại, tỉnh có 42 doanh nghiệp xuất khẩu trên 43 thị trường, với các thị trường truyền thống như: Nam Phi, Trung Quốc, Hongkong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Campuchia… Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, với việc từng bước mở rộng sang các thị trường như: Mỹ, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ…
Đối với kim ngạch nhập khẩu, giai đoạn 2016-2020, Kiên Giang đạt 576,9 triệu USD (năm 2020 đạt 129,4 triệu USD); tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 19,61%/năm. Cơ cấu hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (chiếm 67,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu), nguyên nhiên vật liệu (chiếm 32,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu). Một số sản phẩm nhập khẩu chính của tỉnh là ngư lưới cụ và phụ tùng máy, hạt nhựa, thạch cao…
Tỉnh Kiên Giang có khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đã tạo điều kiện cho hoạt động thương mại biên giới phát triển. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh liên tục tăng, đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 198,35 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,31%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 90,93 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11,4%/năm. Những kết quả đạt được đã góp phần tăng tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ trong tổng GRDP của tỉnh, tính đến năm 2020 chiếm 42,67%.
Năm 2020-2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu và ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tuy nhiên ngành thương mại - dịch vụ vẫn đảm bảo tỷ trọng cao trong tổng GRDP của tỉnh. Điều này cho thấy, lĩnh vực này đã dần phát triển theo chiều sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh, năng suất lao động được cải thiện, tiết kiệm chi phí.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 23/11/2021 về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Phương án phát triển thương mại trong Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 03/02/2021 thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia; trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2022-2026,... để làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, đẩy mạnh lưu chuyển, tiêu thụ, phân phối sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 14/03/2022 về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; thành lập và ban hành quy chế Tổ Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Tổ Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương trong việc đôn đốc giải quyết những vấn đề có liên quan đến nội dung về phục hồi sản xuất công nghiệp; xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án hàng năm và dài hạn thực hiện các giải pháp, chính sách phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh.
Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI