Vượt qua khó khăn, ngành ngân hàng An Giang đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm nhiệm vụ, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua từng năm.
Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành ngân hàng tỉnh, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết: Từ năm 1989, trong khi ngành chuyên môn và nhiều địa phương còn chưa thống nhất về các hình thức thế chấp thì tỉnh An Giang đã quyết định cho vay vốn bằng cả hai loại hình thế chấp và tín chấp. An Giang trở thành nơi có bước khởi đầu quan trọng mang tính chất “mở đường” để bắt đầu hợp tác theo phương thức mới.
Trước khi có đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đề ra các chủ trương, chính sách nhằm giải phóng những rào cản, chướng ngại để tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa phát triển, tín dụng được mở rộng, hộ nông dân và sản xuất kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh vay tăng 128 lần.
Khâu đột phá có tính chất “mở đường” nữa là lĩnh vực lưu thông phân phối và chính sách tín dụng cho vay hộ nông dân sản xuất, sau này được điển hình nhân rộng cho cả nước, mà người có công lớn trong việc đột phá này ngoài tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang còn có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Đặc biệt là từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát đáng khích lệ. Những thành tựu đó đã và đang tạo ra những tiền đề đưa Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ phát triển bền vững.
Khai trương Vietbank Chi nhánh An Giang
Trong lĩnh vực ngân hàng, những thành tựu đáng kể là xây dựng hệ thống ngân hàng thích ứng với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiểm soát lạm phát, mở rộng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng chiều sâu, chủ động hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngành ngân hàng An Giang đã phát triển về quy mô tổ chức. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 62 tổ chức tín dụng, gồm: 02 chi nhánh ngân hàng thương mại TNHH MTV, 01 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 33 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, 01 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 24 quỹ tín dụng nhân dân và 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEF. Có 14 chi nhánh cấp II, III và 136 phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 22 điểm giới thiệu dịch vụ của quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ngân hàng.
Đáng lưu ý, tính đến cuối tháng 2/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn là 95.200 tỷ đồng, tăng 3,91% so với cuối năm 2021 và tương đương 103,21% GRDP năm 2021. Điều này chứng tỏ nền kinh tế của tỉnh đang hấp thụ một lượng lớn tín dụng đầu tư cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng
Giám đốc Ngân hàng nhà nước An Giang
Nguồn: Vietnam Business Forum