AN GIANG

Khu du lịch Quốc gia Núi Sam và cơ hội vươn tầm trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước

05:48:26 | 19/8/2022

Đến An Giang những ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới và những đổi thay đầy khởi sắc của vùng đất này. An Giang hôm nay đã vươn lên trở thành biểu tượng du lịch mới của miền Tây Nam bộ với rất nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, trong đó Khu du lịch (KDL) Quốc gia Núi Sam được ví như linh hồn, là biểu tượng của vùng đất du lịch địa đầu biên giới Tây Nam.

Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích

KDL Núi Sam là quần thể gần 200 ngôi đền, chùa, am, miếu tọa lạc rải rác từ chân núi, sườn núi cho đến tận đỉnh núi, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Tự (chùa Phật Thầy); Phước Điền tự (Chùa Hang)… Trong đó, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (cuối tháng 4 Âm lịch) là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, hàng năm thu hút hàng triệu du khách hành hương về đây tham quan, cúng viếng cầu bình yên, góp phần tạo nên một không gian lễ hội náo nhiệt và đặc sắc. Được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014, đến tháng 3/2022, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” vùng đất Thất Sơn huyền bí.

Với mục tiêu phát triển KDL Núi Sam xứng tầm KDL quốc gia, những năm qua, tỉnh An Giang luôn tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, vốn ngân sách địa phương để đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các tuyến đường giao thông kết nối đến KDL. Đến nay đã hoàn thành nâng cấp tuyến đường trục Châu Đốc - núi Sam, tuyến đường vòng Công viên văn hóa núi Sam, đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên…; đầu tư cảng đường thủy đón du khách tại Châu Đốc, đầu tư Khu Công viên văn hóa núi Sam - công viên chủ đề Phật giáo đầu tiên trong cả nước với các hạng mục, quy mô mang tầm vóc quốc tế…

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế, tỉnh cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện các hạng mục dự án tại KDL Núi Sam như: Tập đoàn Sao Mai An Giang đầu tư xây dựng khách sạn quốc tế tiêu chuẩn 5 sao và khu sinh thái nghỉ dưỡng; Công ty Vạn Bình An đầu tư KDL lòng hồ Trương Gia Mô và dự án hoa viên núi Sam; Công ty MGA Việt Nam đầu tư Khu Văn hóa tâm linh cáp treo núi Sam…  Sau 5 năm thi công và thử nghiệm, ngày 12/2/2022 hệ thống cáp treo mới hiện đại tại Khu Văn hóa tâm linh cáp treo núi Sam đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành 24/24 giờ phục vụ nhu cầu du khách đến tham quan, cúng viếng tại KDL Quốc gia Núi Sam.

Gần đây nhất, ngày 21/3/2022, TP.Châu Đốc cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án Cổng chào KDL Quốc gia Núi Sam với tổng vốn đầu tư hơn 11,3 tỷ đồng nhằm tạo điểm nhấn, tăng vẻ mỹ quan, góp phần quảng bá hình ảnh TP.Châu Đốc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trước đó, TP.Châu Đốc cũng đã tổ chức lễ khởi công công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng nhằm giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích.

Tạo sức hút từ cơ chế thoáng, mở

Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay sau đó, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Núi Sam nhằm đưa KDL này vươn tầm trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước.

Theo Quy hoạch, tỉnh An Giang định hướng phát triển KDL Núi Sam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác các giá trị của cụm Di tích quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An, Chùa Hang; qua đó tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng thương hiệu của KDL; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có cạnh tranh trong khu vực, quốc gia và quốc tế. Phấn đấu đến trước năm 2025, phát triển KDL Núi Sam đáp ứng các tiêu chí của KDL Quốc gia; đến năm 2030 xây dựng KDL Núi Sam trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước; cùng với TP.Châu Đốc và các điểm du lịch lân cận trở thành một điểm đến quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước.

Quy hoạch tổng thể cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, KDL Quốc gia Núi Sam đón khoảng 6 triệu lượt khách (800.000 lượt khách lưu trú); đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách (hơn 1 triệu lượt khách lưu trú). Dự kiến tổng thu từ du lịch đến năm 2025 đạt trên 2.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp; đến năm 2030 doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 9.000 lao động trực tiếp.

Để đạt mục tiêu đề ra, hàng năm tỉnh An Giang đều tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch cho KDL Quốc gia Núi Sam; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, cao cấp có sức cạnh tranh cao trong khu vực, quốc gia và quốc tế; tập trung khai thác giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của KDL và bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh với trọng tâm là việc hành hương, lễ Bà chúa Xứ, thăm Lăng Thoại Ngọc Hầu.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2179/QĐ-TTg về việc Thành lập Ban Quản lý KDL Quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Khu Di tích, Văn hóa, Lịch sử và Du lịch Núi Sam TP.Châu Đốc.

Ông Huỳnh Thành Cư, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Quản lý KDL Quốc gia Núi Sam cho biết: Ban Quản lý KDL quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc UBND tỉnh An Giang, giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý KDL Quốc gia Núi Sam; có chức năng phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch trong KDL quốc gia Núi Sam theo Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Song song đó, ngành du lịch An Giang triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh; liên kết, mở rộng thị trường khai thác du lịch các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên; tổ chức các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế. Ở phạm vi nội tỉnh, ngành Du lịch tăng cường hợp tác, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch giữa KDL Quốc gia Núi Sam đến các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh An Giang như cửa khẩu Tịnh Biên, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm (huyện Tịnh Biên), Khu di chỉ Óc Eo (huyện Thoại Sơn), Khu Di tích lịch sử đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), Búng Bình Thiên (huyện An Phú)...; đồng thời hợp tác, liên kết với các khu, điểm du lịch quan trọng của vùng ĐBSCL để tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh An Giang đang dành sự ưu tiên phát triển đa dạng về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng mà trọng điểm phát triển sẽ là KDL Quốc gia Núi Sam. Được biết, tỉnh An Giang sẽ ban hành cơ chế thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi về nguồn vốn, đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách tài chính, thuế, tín dụng,... Chính quyền tỉnh cũng cam kết sẽ luôn sát cánh hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng cơ sở góp phần phát triển KDL Núi Sam đáp ứng các tiêu chí của KDL Quốc gia, sớm vươn tầm trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt tỉnh cũng sẽ có chính sách ưu tiên những dự án đầu tư có quy mô và dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường, góp phần bồi đắp và nâng cao giá trị thương hiệu cho KDL Quốc gia Núi Sam.

Nguồn: Vietnam Business Forum