Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huyện Châu Thành đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; mời gọi và đồng hành cùng nhà đầu tư.
Nằm ở vị trí tiếp giáp trung tâm của tỉnh, có quốc lộ 91 và tỉnh lộ 941 chạy qua nối với Tri Tôn, Châu Phú và cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 50km, huyện Châu Thành giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vị trí địa lý, giao thông thủy - bộ thuận lợi, con người cần cù, mến khách và những quyết sách đúng đắn đã giúp Châu Thành không ngừng “thay da đổi thịt”, gặt hái những thành tựu tự hào.
Trong những năm qua, kinh tế huyện Châu Thành liên tục có bước phát triển ổn định. Hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng khởi sắc. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý thu chi ngân sách nhà nước được triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm đổi mới. Công tác quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống tốt hơn.
Nông dân xã Vĩnh An thu hoạch lúa hè thu
Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; công tác dạy nghề, giải quyết việc làm luôn được quan tâm thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng quan trọng đối với nền kinh tế của huyện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai tích cực đã góp phần tăng thu nhập trên diện tích canh tác. Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân được triển khai giúp thu ngân sách tăng.
Ông Hồ Hữu Tài, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên huyện triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành khóa XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế- xã hội của huyện. Trước tình hình đó, việc duy trì và khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh là yêu cầu cấp bách. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Châu Thành đã làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân đồng thời tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động kinh tế.
Phát huy tối đa lợi thế của ngành nông nghiệp, để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế, huyện đã triển khai nhanh các dự án, chương trình phát triển vùng nguyên liệu ổn định và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc hỗ trợ định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thực hành sản xuất theo quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các sản phẩm chất lượng có khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững.
Trên địa bàn huyện Châu Thành có trên 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, thống kê các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp để xây dựng kế hoạch cung ứng và tiêu thụ phù hợp. Song song đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất thay thế và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất sạch hơn; hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương được tiêu thụ rộng rãi ở trong, ngoài huyện và xuất khẩu.
Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo và chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ tài năng, nâng cao tay nghề. Đào tạo lại lao động gắn với nhu cầu của thị trường lao động, kịp thời giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp được chuyển đổi nghề nghiệp. Huyện tập trung cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tiếp cận và nghiên cứu các dự án. Qua đó, giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.
Đặc biệt, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, ngăn ngừa tiêu cực gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Cập nhật đầy đủ kịp thời các quy hoạch, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện hiệu quả các quy hoạch tăng cường. Mời gọi và đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến thu hút đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI