Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ngành Du lịch An Giang đã có bước phát triển tích cực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Phóng viên đã có trao đổi với ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang về những kết quả này. Hương Sa thực hiện.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật mà tỉnh An Giang đạt được trên lĩnh vực du lịch?
Thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020. Trong đó, đã nâng cao được nhận thức của cộng đồng địa phương thông qua việc tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về du lịch, bảo vệ môi trường du lịch.
Tác phẩm Bồng bềnh mây trôi tiên cảnh Thiên Cấm Sơn của tác giả Dương Việt Anh
Sản phẩm du lịch của tỉnh cũng ngày càng được hoàn thiện, đa dạng, đi vào chiều sâu với nhiều loại hình như: du lịch sinh thái kết hợp du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích văn hóa lịch sử kết hợp du lịch mùa nước nổi… Đặc biệt, An Giang chú trọng phát triển loại hình du lịch tâm linh và tìm giải pháp phát huy hiệu quả nguồn thu từ loại hình du lịch này.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2020, An Giang đã thu hút được hơn 55 triệu lượt du khách, trong đó, lượt khách do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phục vụ hơn 5,5 triệu lượt, khách quốc tế đạt hơn 594 ngàn lượt. Lượt khách tăng cao qua từng năm. Doanh thu ngành du lịch giai đoạn 2013-2020 đạt 25.000 tỷ đồng.
Hiện nay, hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang đã phát triển ra sao để đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan của du khách, thưa ông?
Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 95 cơ sở lưu trú du lịch tiêu chuẩn từ 1-4 sao với gần 3.000 phòng; có 02 công ty lữ hành nội địa, 12 công ty lữ hành quốc tế,16 điểm tham quan du lịch. Đặc biệt, tỉnh tập trung đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch Núi Sam, Núi Cấm và Khu di chỉ văn hóa Óc Eo, Khu lòng hồ Thoại Sơn để làm cơ sở thúc đẩy các khu, điểm du lịch khác phát triển và thu hút du khách.
Tác phẩm Đồi Tà Pạ của tác giả Huỳnh Thanh Hùng
Du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, tỉnh An Giang đã có những giải pháp gì để vượt khó, thưa ông?
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Trong thời gian cao điểm của đại dịch, nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn thu và việc làm của người lao động. Năm 2021, An Giang chỉ đón 3,5 triệu lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch, giảm 46% so cùng kỳ và đạt 50% so kế hoạch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi và phát triển du lịch, tỉnh An Giang đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh thực hiện ngay công tác quảng bá, kích cầu du lịch nhằm góp phần khắc phục thiệt hại, từng bước khôi phục và phát triển hoạt động du lịch.
Riêng về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thời gian qua đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19, kế hoạch của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu cho tỉnh kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch An Giang trong điều kiện bình thường mới: thích ứng an toàn linh hoạt với đại dịch. Chủ động tham mưu, triển khai các văn bản của cấp trên về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động bị ảnh hưởng; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh du lịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn.
Tác phẩm Khu lưu niệm Bác Tôn của tác giả Huỳnh Thanh Hùng
Những nỗ lực đó giúp ngành du lịch tỉnh phục hồi nhanh chóng. 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch tỉnh đã đón 5,2 triệu lượt khách (tăng 60% so với cùng kỳ, đạt 113% kế hoạch), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.900 tỷ đồng.
Sau phục hồi là giai đoạn tăng tốc của ngành, ngành du lịch An Giang tiếp tục có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra?
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch để góp phần đa dạng hóa các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đến An Giang 2025. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới giai đoạn 2021- 2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo an ninh trật tự an toàn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch, các lễ hội địa phương, các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo sự đa dạng, đặc trưng về văn hóa để thu hút du khách. Nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển các sản phẩm du lịch mới có thế mạnh về giá trị văn hóa địa phương, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa An Giang và các tỉnh, thành phố, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ du lịch. Đặc biệt, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, trong đó triển khai Tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch tại An Giang.
Được biết vào cuối năm nay tỉnh An Giang sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, ông có thể “bật mí” một vài thông tin về cơ hội đầu tư vào ngành du lịch trên địa bàn tỉnh?
Để chuẩn bị cho tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh An Giang năm 2022, tỉnh đang rà soát các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đối với lĩnh vực du lịch, dự kiến một số dự án như: Khu du lịch Bắc Miếu Bà - thành phố Châu Đốc, Khu du lịch Hồ Soài So - huyện Tri Tôn, Khu du lịch Núi Cấm - huyện Tịnh Biên, Khu du lịch 3 xã Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), Khu du lịch Búng Bình Thiên - huyện An Phú, Khu du lịch sinh thái Hồ Tân Trung - huyện Phú Tân… sẽ được tỉnh An Giang giới thiệu tới các nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI