AN GIANG

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách

12:42:17 | 18/8/2022

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của ngành Tài chính tỉnh, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt được những kết quả tích cực. Theo ông Trần Minh Nhựt, Giám đốc Sở Tài chính An Giang, trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành Tài chính sẽ tăng cường công tác quản lý thu NSNN, đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu, phấn đấu tăng thu NSNN vượt dự toán HĐND tỉnh giao. Hoàng Ngọc thực hiện.

Ông có thể cho biết tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của tỉnh An Giang?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, sự đồng lòng quyết tâm của đội ngũ cán bộ công chức đã tạo ra động lực lớn để ngành Tài chính An Giang vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, kết quả thực hiện thu NSNN từ kinh tế địa bàn tỉnh năm 2021 là 7.240 tỷ đồng, đạt 105,5% so dự toán, bằng 99,21% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 là 13.144 tỷ đồng, đạt 86,8% dự toán năm, bằng 83,33% so cùng kỳ.

Bước sang năm 2022, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Cùng với việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các ngành, các cấp trong quản lý thu NSNN, Sở Tài chính cũng tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tổng thu NSNN từ kinh tế địa bàn 4.095 tỷ đồng, đạt 66,22% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 81,4% so cùng kỳ.

Công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc tiết kiệm trong chi tiêu công, điều hành cân đối ngân sách địa phương đảm bảo dự toán được giao, đảm bảo nguồn chi cho con người, bộ máy, chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện chi đúng, đủ theo chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức quy định. Chi ngân sách địa phương 6.433 tỷ đồng, đạt 40,57% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 124,11% so cùng kỳ.

Với những kết quả như vậy, ngành Tài chính đã đề ra những giải pháp gì để hoàn thành kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm?

Từ kết quả đạt được nêu trên, Sở Tài chính đã đề ra các giải pháp triển khai nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách 6 tháng cuối năm trên cơ sở dự báo tình hình trong thời gian tới. Cụ thể: Tăng cường công tác quản lý thu NSNN, đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu, phấn đấu tăng thu NSNN vượt dự toán HĐND tỉnh giao, điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả, đúng dự toán được giao; đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính;…

Khi nguồn ngân sách còn hạn chế, việc thực hiện ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển được triển khai như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh An Giang đã xác định mục tiêu, phương hướng chủ yếu 5 năm 2020 - 2025, đồng thời đề ra 3 khâu đột phá. Một trong 3 khâu đột phá đó là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch.

Trên cơ sở định hướng của Đại hội, tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực bố trí cho các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tỉnh cũng đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 nguồn ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Cụ thể, phân bổ nguồn lực ngân sách cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo thứ tự như sau:

- Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 4, Điều 101 Luật Đầu tư công (nếu có).

- Phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (nếu có).

- Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn. Vốn cho dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng). Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

- Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.

- Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án.

- Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 5, Điều 51 của Luật Đầu tư công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum