Nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp thuận tiện cho di chuyển cùng nhiều dự án giao thông, hạ tầng tỷ đô đã ra đời như: cầu Vàm Cống, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương mở rộng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cảng Mỹ Thới,… An Giang đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Có thể nói An Giang đang đứng trước cơ hội “vàng” để đón làn sóng đầu tư mới.
Đột phá phát triển hạ tầng
Những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Chính phủ, dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường cao tốc, nhằm thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, tổng ngân sách dự kiến đầu tư hạ tầng vào ĐBSCL khoảng 388.000 tỷ đồng, bao gồm 1.000km đường bộ, hơn 15.000km đường biển, gần 60 cảng thủy nội địa và 2 cảng biển nước sâu. Từ giai đoạn 2025-2030, vùng ĐBSCL được định hướng phát triển thêm 32 dự án giao thông trọng điểm kinh phí 95.000 tỷ đồng, 13 dự án liên kết nội vùng 26.731 tỷ đồng, 7 tuyến cao tốc trục dọc ngang liên vùng gần 1.000km kinh phí 15.000 tỷ đồng
Đón đầu những tín hiệu tích cực từ bức tranh phát triển của vùng ĐBSCL, An Giang đã đề ra những bước đi chiến lược, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL, tăng thu nhập cho người dân, qua đó mở rộng quy mô thương mại, tăng sức hút đối với nhà đầu tư.
Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh cũng được quan tâm quy hoạch đồng bộ. Giai đoạn 2021-2025, An Giang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ nhằm gia tăng kết nối, thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển. Đối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi hoàn thành sẽ kết nối với dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên, góp phần đẩy nhanh lưu thông hàng hóa từ An Giang xuống TP.Cần Thơ - trung tâm kinh tế của vùng Tây Nam Bộ, giải tỏa sự ách tắc giao thông gần 20 năm qua. Qua đó, tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế và mời gọi đầu tư của tỉnh.
Xoá “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư
Xác định một trong những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư của tỉnh trước đây là việc cải cách thủ tục hành chính chưa thật sự hiệu quả; một số chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư chưa có nhiều hấp dẫn nhà đầu tư…, do vậy giai đoạn 2015-2020, lãnh đạo tỉnh đã tập trung tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư tương xứng với tiềm năng lợi thế.
Các cấp, các ngành của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tích cực về cải cách hành chính và chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và phát triển dịch vụ công trực tuyến, đăng ký doanh nghiệp (DN) qua mạng, đăng ký tài khoản ngân hàng cho DN. Kết quả, các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của An Giang đều tăng qua từng năm.
Đến năm 2019, An Giang xếp hạng 11 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index); chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) hạng 21 và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hạng 21.
Khai thác tốt những lợi thế đặc trưng
Trong kế hoạch sắp tới, An Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 05 lĩnh vực chính: (1) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) Công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; (3) Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; (4) Phát triển thương mại và Cơ sở hạ tầng khu đô thị; (5) Hạ tầng giao thông.
Định hướng chung trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 164,6 đến 176 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 7,6%/năm.
Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP hằng năm của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang.
Tích cực chuyển đổi số, số hóa các hoạt động hành chính, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhằm tạo động lực phát triển xã hội số, xây dựng nền kinh tế số thiết thực hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Tăng cường quản lý chặt chẽ trên tất cả các khâu của đầu tư xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đánh giá, giám sát đầu tư; chú trọng công tác chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư theo quy hoạch, các dự án trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, hiệu quả đầu tư dự án. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng an ninh, khu vực biên giới, việc thu hút FDI cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.
Cam kết của chính quyền
Năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2020-2025, An Giang đang đứng trước những cơ hội phát triển mới rất to lớn, đan xen khó khăn, thách thức để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL, kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng.
Năm 2021, An Giang đã thu hút đầu tư được 18 dự án đầu tư (gồm 17 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký là 947 tỷ đồng. Năm 2022, An Giang phấn đấu “Thu hút ít nhất 15 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, bao gồm: Hạ tầng giao thông; Cơ sở hạ tầng Khu đô thị, Khu nhà ở; Nông nghiệp; Công nghiệp; Thương mại - Dịch vụ - Du lịch; Văn hóa - Xã hội - Môi trường, tổng vốn đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng. |
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với chức năng là một cơ quan tham mưu về kế hoạch, quy hoạch, đầu tư cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua các kênh phản hồi, phiếu điều tra, khảo sát tính thực chất của cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ tín nhiệm đối bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang - ông Phạm Minh Tâm cho biết, với phương châm thành công của DN cũng là thành công của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang khẳng định luôn cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, DN cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những thành công; hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính cho các DN, nhất là về đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, hỗ trợ DN.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI