Vượt qua khó khăn và thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Theo đó, công tác cải cách thể chế ngày càng hoàn thiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, kiểm tra, xây dựng và ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một trong những khâu đột phá, chương trình trọng điểm của tỉnh xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ năm 2010 đến nay. TTHC ngày càng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện, được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng giải quyết trên môi trường điện tử. Tỷ lệ TTHC giải quyết đúng và sớm hạn ở cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2021 đạt trên 98,62%.
Thời gian qua, tỉnh đã sắp xếp, thành lập, sáp nhập, giải thể nhiều cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp, giảm 123 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (số liệu tính đến 31/12/2021), đạt tỷ lệ 12,42%. Cùng với đó, thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021, biên chế hành chính giảm 453, đạt tỷ lệ 10,37%; biên chế sự nghiệp giảm 5.105, đạt tỷ lệ 11,22%. Có thể thấy, tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh ngày càng được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên thông qua các chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài, bổ nhiệm người có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn phù hợp với quy định, đảm bảo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, việc đổi mới mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ lao động xã hội được chú trọng. Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn được quan tâm triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị định, quy định của Chính phủ, kết quả cho thấy sự đổi mới tích cực về cơ chế quản lý tài chính. Các cơ quan, đơn vị chủ động hơn trong việc sử dụng biên chế, kinh phí tự chủ được giao, quản lý tài sản công đúng mục đích tiết kiệm, sử dụng kinh phí hiệu quả. Thu nhập của người lao động trong cơ quan từng bước được cải thiện.
Công tác hiện đại hóa nền hành chính được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, với các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Một số kết quả nổi bật: triển khai Đề án An Giang điện tử, thành lập Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet; triển khai hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành Trung ương; kết nối ngân hàng để thanh toán phí, lệ phí qua dịch vụ công trực tuyến; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng;… Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Với những thành tựu đó, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 được đánh giá đạt và vượt 08/15 chỉ tiêu đề ra, 05/15 chỉ tiêu đạt trên 80%. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,07%). Quy mô nền kinh tế tăng khá - năm 2020 đạt 89.362 tỷ đồng. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015). Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy được nâng chất, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Kết quả các chỉ số đánh giá của tỉnh trong những năm gần đây đạt khá tốt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ hạng 38 năm 2016 đã tăng liên tục, năm 2021 xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước và xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với nhiều giải pháp tích cực về cải cách TTHC cùng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang hiện nay, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tại tỉnh.
Hiện Sở Nội vụ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030 với những quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tỉnh nói chung và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với mục tiêu chung là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
Nguồn: Vietnam Business Forum