AN GIANG

Ổn định thị trường lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

12:31:55 | 18/8/2022

Để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, tỉnh An Giang đã không ngừng nỗ lực xây dựng lực lượng lao động có chuyên môn và tay nghề cao. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có một số trao đổi với ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh An Giang.

Ông có thể cho biết đến nay mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh An Giang đã có sự đổi mới ra sao nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động?

Nhằm sắp xếp tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN công lập, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, Sở LĐTBXH thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh An Giang đến năm 2025; năm 2021 thành lập Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang trên cơ sở hợp nhất 03 trường: Trường Trung cấp nghề Châu Đốc, Trường Trung cấp nghề Tân Châu; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang. Sở cũng tiến hành rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp của 04 đơn vị không đủ điều kiện hoạt động GDNN theo quy định.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở GDNN, gồm: 02 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN và 13 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 01 cơ sở GDNN công lập, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết người có nhu cầu học nghề có thể tham gia học nghề, nhất là lao động nông thôn, lao động nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh công tác đào tạo, việc giải quyết việc làm cho người lao động cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là sau những tác động của dịch bệnh Covid-19. Vấn đề này được An Giang chú trọng ra sao?

Tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp; hầu hết cơ sở vật chất các trường trung cấp và trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị F0 không triệu chứng. Tuy nhiên, Sở LĐTBXH chỉ đạo kịp thời cho các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo; nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức đào tạo, áp dụng linh hoạt hình thức đào tạo, kiểm tra, thi trực tuyến kết hợp vào đào tạo trực tiếp: chia nhỏ nhóm thực hành, chuyển hoạt động thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp (DN) về nhà trường, tận dụng tối đa thời gian đào tạo trực tiếp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra, thi kịp tiến độ tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên.


Công ty Bất động sản Nam Miền Tây đã đồng hành cùng Hội chợ việc làm trên địa bàn tỉnh An Giang

Đồng thời, Sở LĐTBXH tăng cường triển khai thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến nay, đã ban hành 07 Quyết định, hỗ trợ 06 DN đào tạo cho 1.272 lao động, kinh phí 5.856,9 triệu đồng.

Kết quả từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 7.222 người, chủ yếu là trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng. Trong đó, thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn với 1.065 học viên, kinh phí 1.044 triệu đồng; về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã ban hành 04 Quyết định đào tạo cho 1.034 học viên, 04 DN, kinh phí 4.653 triệu đồng; hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 888 học viên, với số tiền 1.146 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; DN phải giảm giờ, ngày làm của NLĐ, ngừng việc hoặc thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Để kịp thời hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho NLĐ cũng như DN, Sở LĐTBXH tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ DN đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm cho NLĐ. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc ủy thác nguồn vốn ngân sách tỉnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh An Giang để cho vay Chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2022; triển khai các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ; đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động, tạo cầu nối gắn kết giữa NLĐ với người sử dụng lao động để tuyển dụng lao động. Trong 05 tháng đầu năm 2022, đã có trên 100 lao động đi làm việc nước ngoài; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTBXH) đã phối hợp tổ chức được 06 điểm, cụm tư vấn kết nối việc làm tại các huyện Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm tại huyện Phú Tân… với 84 DN và trên 1.312 lao động tham gia.

Đối với giải pháp tăng cường liên kết với DN trong đào tạo và giải quyết việc làm sẽ được tỉnh quan tâm như thế nào, thưa ông?

Tỉnh đang kêu gọi các DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao của tỉnh. Trong thời gian sắp tới, tỉnh tăng cường phối hợp với các DN đẩy mạnh tổ chức thực hiện đào tạo nghề nghiệp gắn với đơn đặt hàng, các mô hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng theo công nghệ cao của các DN trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; quảng bá, thông tin về kế hoạch đào tạo, xu hướng đào tạo của các cơ sở GDNN đến các DN. Tăng cường hỗ trợ DN tuyển dụng lao động qua nhiều kênh khác nhau như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đăng tải thông tin nhu cầu tuyển lao động của các DN trên các báo, đài, website của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang http://ttvlangiang.gov.vn kết nối với thị trường lao động các tỉnh lân cận; tạo cầu nối gắn kết giữa NLĐ với người sử dụng lao động.

Điều tra, khảo sát, thu thập, xác định nhu cầu, ngành nghề đào tạo phù hợp về số lượng và cơ cấu nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân, DN trong tỉnh, ngoài tỉnh, ngoài nước; khuyến khích, hỗ trợ các DN, cá nhân có sử dụng lao động tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động; nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tìm việc của NLĐ trên địa bàn để chủ động nguồn lao động, góp phần hỗ trợ DN phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum