Trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp tỉnh An Giang đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương và sự nghiệp tư pháp.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết, về công tác văn bản quy phạm pháp luật (QPPL): Tính từ năm 1991 đến nay, Sở đã tham gia xây dựng, thẩm định, đóng góp trình UBND tỉnh ban hành hơn 3.540 văn bản đúng quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản QPPL. Các văn bản sau khi được ban hành cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sở cũng tham gia rà soát hơn 7.000 văn bản; xử lý dứt điểm đối với những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL): Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, GDPL trên địa bàn tỉnh với nội dung và hình thức phổ biến GDPL khá đa dạng. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tổ chức mỗi năm hàng trăm cuộc tuyên truyền miệng, phục vụ cho hàng chục ngàn lượt người; tổ chức hơn 600 lớp bồi dưỡng, tập huấn pháp luật cho trên 50 ngàn lượt người, tổ chức 25 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, duy trì thường xuyên công tác phổ biến GDPL qua Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang và Báo An Giang.
Về công tác trợ giúp pháp lý (TGPL): Hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hình thức phù hợp, đưa công tác TGPL hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng dân tộc, biên giới trong tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện TGPL 25.000 vụ, có 25.432 lượt người được TGPL; phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức 603 cuộc TGPL lưu động.
Về công tác hành chính tư pháp: Sở Tư pháp đã triển khai và tổ chức thực hiện kịp thời các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp trong lĩnh vực hành chính tư pháp. Giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, chứng thực trên toàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hộ tịch để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Về công tác bổ trợ tư pháp: Sở đã giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác.
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Từ năm 2008, Sở Tư pháp tổ chức trung bình từ 03 - 06 cuộc thanh tra/năm. Qua thanh tra, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm, đồng thời có những kiến nghị cụ thể để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực ngành.
Quan tâm hỗ trợ pháp lý cho DN
Để triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các địa phương tổ chức các nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, Sở đăng tải các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, bộ, ngành; Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh; các Kế hoạch do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp An Giang; cung cấp thông tin nội dung văn bản mới qua địa chỉ email cho các DN; thực hiện tư vấn pháp lý cho các DN. Tiếp nhận văn bản QPPL cấp tỉnh mới ban hành, những phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức nói chung, DN nói riêng để tiến hành kiểm tra và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, góp phần hạn chế vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp lấy ý kiến các DN về nhu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp lý; sau đó liên hệ, mời các chuyên gia về triển khai. Trong đó, Sở Tư pháp liên hệ các báo cáo viên của Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tổ chức 09 lớp bồi dưỡng pháp luật cho DN.
Ông Cao Thanh Sơn cho biết thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. “Chúng tôi mong các DN luôn song hành cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên cung cấp các thông tin về khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý cho cơ quan nhà nước (Sở Tư pháp); sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, nhất là việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp xảy ra”, ông Sơn nói.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI