Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đô thị An Giang đã có những bước phát triển nhanh chóng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi
Đến nay, tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang là 22 đô thị (tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%), bao gồm: 01 đô thị loại I: TP.Long Xuyên; 01 đô thị loại II: TP.Châu Đốc; 01 đô thị loại III: thị xã Tân Châu; 07 đô thị loại IV; 12 đô thị loại V.
Thời gian qua, ngành Xây dựng đã phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành 30 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, riêng lĩnh vực hạ tầng - khu đô thị và nhà ở có 8 dự án. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Nam TP.Long Xuyên (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên), diện tích 58ha, tổng mức đầu tư dự kiến 17.767 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Nam đường Phạm Cự Lượng (phường Mỹ Quý và Mỹ Thới, TP.Long Xuyên), diện tích 112ha, tổng mức đầu tư dự kiến 34.308 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Tây TP.Long Xuyên (phường Mỹ Quý và Mỹ Thới), diện tích 217ha, tổng mức đầu tư dự kiến 66.472 tỷ đồng.
Với vị thế của đô thị loại I, TP.Long Xuyên và khu vực vệ tinh nổi lên như điển hình về phát triển, đã và đang thu hút hàng loạt nhà đầu tư tại đây như: Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn TNR, Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM,…
Ngoài địa bàn TP.Long Xuyên, các nhà đầu tư còn tham gia thực hiện đầu tư nhiều dự án phát triển nhà ở tại các khu đô thị khác trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi đáng kể về bộ mặt của các đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.
Theo kế hoạch phát triển ngành Xây dựng vừa được Sở Xây dựng tỉnh An Giang ban hành, đến năm 2023 toàn tỉnh có 24 đô thị và tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt 42%.
Làm tốt công tác quy hoạch
Trong xây dựng, phát triển đô thị, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc là một việc làm cần thiết, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và phát triển đô thị với mục tiêu ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng An Giang cho biết cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang thì quy hoạch - kiến trúc là một công cụ hữu hiệu giúp các cấp, các ngành của tỉnh và địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, góp phần cụ thể hóa mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Từ khi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự đoàn kết, nhất trí của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh, sự đồng tâm của chính quyền các cấp và trên hết là sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, công tác quy hoạch, kiến trúc đã đạt được những thành tựu bước đầu”, ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Được biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 250 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đã và đang thực hiện đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó: quy hoạch xây dựng khu chức năng khoảng 34 đồ án (có 01 đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030 thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) và quy hoạch đô thị khoảng 216 đồ án (bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500).
Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh An Giang, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm. Nhờ vậy, diện mạo đô thị đã thay đổi cả về hình thức kiến trúc, tính hiện đại, công nghệ xây dựng, tính hội nhập và đặc biệt là tính tuân thủ quy định pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt đều có quy chế, quy định quản lý về quy hoạch, không gian kiến trúc cảnh quan và đánh giá môi trường. Tại khu trung tâm đô thị, các tuyến phố chính, các khu đô thị mới đều có quy định thiết kế về tầng cao, độ vươn của ban công, khoảng lùi của công trình; đối với các công trình lớn, trọng điểm, công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị sẽ thi tuyển theo quy định của Luật Kiến trúc để chọn phương án kiến trúc tối ưu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1564/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh An Giang; tham mưu UBND tỉnh tổ chức thi tuyển ý tưởng điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung TP.Long Xuyên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch TP.Châu Đốc đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị phía Tây TP.Long Xuyên theo hướng mời tư vấn trong nước kết hợp tư vấn nước ngoài;... Thực hiện theo định hướng quy hoạch này, tỉnh đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đăng ký thực hiện dự án, giúp cho các cấp chính quyền trong việc quản lý xây dựng, đầu tư xây dựng được thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương đồng thời đảm bảo kiến trúc mỹ quan đô thị.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI