AN GIANG

Vùng biên khởi sắc và cơ hội cho các nhà đầu tư

05:22:13 | 19/8/2022

Nằm ở đầu nguồn Sông Hậu, huyện An Phú thuận lợi về nguồn nước và được phù sa bồi đắp hằng năm nên có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, là huyện biên giới nên kinh tế biên mậu và du lịch cũng là thế mạnh của An Phú. Những năm qua, chính quyền địa phương, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã chung sức đồng lòng đưa nền kinh tế huyện ngày càng khởi sắc. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hòa Hợp, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND Huyện An Phú về nội dung này. Duy Hạnh thực hiện.

Ông có thể cho biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện An Phú trong những năm qua?

Ngày đầu tái lập, huyện An Phú đối mặt với bao bộn bề, gian khó, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện xác định nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Dưới sự lãnh đạo, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ huyện cùng sự chung tay nỗ lực của nhân dân, huyện An Phú đã ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực; kinh tế tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách đảm bảo chỉ tiêu đề. Đồng thời, huyện chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; các lĩnh vực văn hoá, đào tạo nguồn nhân lực thường xuyên được quan tâm. Công tác giáo dục phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường học và chất lượng đào tạo. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phát triển đa dạng; các di tích lịch sử được chú trọng bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, huyện tập trung hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Huyện cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, an sinh phúc lợi; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, từng bước phát triển. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những chuyển biến tích cực trên?

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân An Phú đã được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm. Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 47.135.000 đồng/người.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện đạt được nhiều kết quả tốt, chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế hợp tác tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đến nay, đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 10 đến 15 tiêu chí.

Về Dự án WB9 tại 3 xã bờ Đông sông Hậu với mục tiêu kiểm soát lũ tháng 8: đã xây dựng xong các mô hình sinh kế cho 3 xã (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu). Sau khi hoàn thành dự án sẽ góp phần ổn định kết cấu hạ tầng, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế, tăng thêm thu nhập, sản xuất thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đến nay, toàn huyện có 970 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 2.150 lao động.

Tổng thu ngân sách địa phương 3.304 tỷ đồng (trong đó thu từ kinh tế trên địa bàn 418 tỷ đồng), tổng chi ngân sách 3.209 tỷ đồng.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục - đào tạo có bước phát triển về quy mô và số lượng, đến nay có 11 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 64 trường học trên địa bàn. Đó là những con số “biết nói”, minh chứng cho sự vươn lên của An Phú thời gian qua.

Là huyện vùng biên, những diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã gây ra những khó khăn và thách thức gì? Huyện An Phú đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện trong quý III, với biến chủng mới Delta lây lan rất nhanh đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của huyện.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn huyện khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động, UBND huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời báo cáo, giải quyết, hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, giao UBND các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền vận động người dân và người lao động chia sẻ, hỗ trợ, tương thân, tương ái với các doanh nghiệp tại địa phương; tổ chức tuyên truyền thông tin tới các doanh nghiệp trên địa bàn huyện về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và UBND huyện để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện cùng với sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức của cả cả hệ thống chính trị đã góp phần đưa huyện nhà gặt hái được nhiều thành tựu đáng phấn khởi, có 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Là huyện biên giới, được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Xin ông cho biết cơ hội đầu tư vào An Phú hiện nay?

Theo Chương trình hành động số 10-CTr/HU ngày 15/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm huyện An Phú giai đoạn 2021-2025, hiện trên địa bàn huyện An Phú đang kêu gọi đầu tư 08 danh mục công trình trọng điểm sau:

- Khu thương mại dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 2): Quy mô 13ha, địa điểm tại thị trấn Long Bình; vốn đầu tư 260 tỷ đồng.

- Khu du lịch Búng Bình Thiên: Quy mô 706,8ha. Địa điểm tại xã Nhơn Hội và xã Khánh Bình; vốn đầu tư: 600 tỷ đồng.

- Khu đô thị mới thị trấn An Phú: Quy mô 17,04ha. Địa điểm tại thị trấn An Phú; vốn đầu tư 450 tỷ đồng.

- Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu: Quy mô 30ha. Địa điểm tại thị trấn An Phú; vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

- Khu dân cư Mương Tám Sớm: Quy mô 15ha. Địa điểm: xã Quốc Thái; vốn đầu tư 30 tỷ đồng.

- Khu đô thị Cồn Tiên mở rộng: Quy mô 20ha. Địa điểm tại xã Đa Phước; vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

- Khu dân cư Chợ Búng Bình Thiên: Quy mô 3,4ha. Địa điểm tại xã Khánh Bình; vốn đầu tư 85 tỷ đồng.

- Tuyến dân cư Cột Dây Thép: Quy mô 3,3ha. Địa điểm tại thị trấn An Phú; vốn đầu tư 20 tỷ đồng.

Với tư cách lãnh đạo địa phương, ông có thông điệp gì gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư?

Nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng trên địa bàn huyện, An Phú đã có nhiều cơ chế, chính sách và hướng đi mới, tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh triển khai dự án, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.

Với tinh thần luôn dang tay chào đón, đồng hành cùng doanh nghiệp - nhà đầu tư, thay mặt lãnh đạo huyện An Phú, tôi trân trọng mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và khả năng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Huyện cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp - nhà đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum