AN GIANG

Cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu đặc thù kinh tế địa phương và khu vực

05:50:13 | 19/8/2022

Được giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ công nhân và thợ bậc cao, đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Trường Cao đẳng nghề An Giang đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để phát triển trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn tại địa phương. Đặc biệt, Trường đi đầu trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu đặc thù kinh tế địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khẳng định chất lượng đào tạo

Trường Cao đẳng nghề An Giang được thành lập từ năm 2007, trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật An Giang và Trường dạy nghề An Giang. Kể từ khi được thành lập đến nay, Trường Cao đẳng nghề An Giang đã không ngừng trưởng thành và phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng đào tạo. Những năm qua, Trường đã có nhiều nỗ lực phát triển mở rộng các ngành nghề đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực, đất nước và theo nhu cầu của thị trường lao động; chuyển từ đào tạo theo năng lực hiện có của Trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội.


Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang

Hiện nay, Trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đào tạo 50 mã nghề, trong đó có 6 nghề trọng điểm và tập trung ở 6 lĩnh vực ngành nghề như: Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, công nghệ thời trang, lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực kế toán tài chính, ngoại ngữ. Quy mô đào tạo hàng năm duy trì từ 2.000 - 2.500 học sinh sinh viên/năm, cho tất cả các ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; đào tạo thường xuyên theo quy định của pháp luật. Trường cũng liên kết đào tạo liên thông các trình độ: trung cấp, cao đẳng lên đại học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Trường được được bồi dưỡng trong và ngoài nước để đạt trình độ chuẩn theo quy định, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học; được đánh giá đúng năng lực, trình độ làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động của trường. Hiện nay, 100% đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn trình độ về chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm và ngoại ngữ, tin học. Tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ đạt 70%.

Lấy kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp làm thước đo chất lượng đào tạo, năm 2022, Trường phấn đấu đạt chuẩn kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc tăng thời lượng thực hành trong mỗi chương trình từ 70-80%, trong đó 40% thời lượng có thể thực hành thực tập tại doanh nghiệp. Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo chuẩn đầu ra đảm bảo chất lượng với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm 90% trở lên, trong đó loại khá, giỏi từ 30% trở lên.

Giải quyết vấn đề mà học sinh, sinh viên quan tâm nhất là việc làm sau khi tốt nghiệp, song song với giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua Trường quan tâm gắn kết với doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng mối liên kết được với hơn 40 doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên thực hành, thực tập và doanh nghiệp có thể tuyển dụng học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày hội việc làm thường niên và sau khi tốt nghiệp các khóa. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận thị trường lao động, tìm kiếm việc làm hoặc tham gia xuất khẩu lao động. Theo khảo sát, hàng năm tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau ra trường đạt 90%.

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang cho biết, trong quá trình hình thành và phát triển, Trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo và xem đó là khâu then chốt có ý nghĩa sống còn của Nhà trường.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chuyên môn. Đổi mới chương trình đào tạo từ chương trình đào tạo tiếp cận nội dung (lý thuyết hàn lâm) sang chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực thực hiện (thực hành nghề). Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ hoạt động dạy học truyền thụ kiến thức sang hoạt động dạy học giải quyết các vấn đề thực tiễn nghề nghiệp đặt ra. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp, hợp tác đào tạo kép tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp và nhu cầu xã hội”, thầy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Với vai trò là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn tại địa phương, Trường Cao đẳng nghề An Giang luôn đi đầu trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu đặc thù kinh tế địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thầy Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong thời gian tới ngoài 6 khoa và các ngành nghề đang đào tạo, Trường sẽ thành lập thêm Trung tâm cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch và tập trung phát triển đào tạo các nhóm ngành: Điện - Điện lạnh, Cơ điện tử, Cơ khí, Cơ khí nông nghiệp, Cơ khí xây dựng, Công nghệ ô tô; Xây dựng, Kinh tế, Mộc dân dụng và công nghiệp. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch và nhóm ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn là mũi nhọn.

“Trường tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ, tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động đào tạo đối với một số ngành nghề trọng điểm như: Điện, Cơ khí, Dịch vụ - du lịch. Trên cơ sở đó, tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh để trở thành ngành công nghệ cao: Điện, Cơ điện tử. Song song đó, gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Nhà trường, phấn đấu đến năm 2025 khoa học - công nghệ đạt tối thiểu 5% tổng thu của Trường và 10% vào năm 2030”, thầy Hải cho biết thêm.

Nguồn: Vietnam Business Forum