Hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 06 Khu công nghiệp (KCN) hiện hữu đang hoạt động với tổng diện tích đất 1.066,52ha; 01 Khu công nghệ cao (KCNC) với tổng diện tích đất 1.128,4ha và 01 Khu công nghệ thông tin tập trung – giai đoạn 1 (KCNTTTT) với tổng diện tích đất 131,1ha. Không chỉ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước với các dự án lớn, có sức lan toả; các KCNC, KCNTTTT và KCN còn góp phần tạo nên thế và lực mới cho thành phố bên sông Hàn trong hành trình vươn lên, trở thành đô thị công nghệ cao, thông minh và giàu bản sắc.
Ký kết hợp tác giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng và Ban Quản lý các Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam
Từ đầu năm 2022 đến nay, KCNC, KCNTTTT và các KCN TP.Đà Nẵng đã thu hút 18 dự án đầu tư mới, trong đó có 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 65 triệu USD; 15 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký 3.878,58 tỷ đồng. Lũy kế đến nay tại KCNC, KCNTTTT và các KCN có tổng cộng 514 dự án, trong đó 384 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 30.349 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.919 triệu USD. Hoạt động của các KCN, KCNC và KCNTTTT đã góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH và đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng cho biết: Trọng tâm chương trình xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng năm 2022 và những năm tiếp theo là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh. Trong đó thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao mà tâm điểm là KCNC Đà Nẵng được xác định là động lực và là hạt nhân để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Trên cơ sở đó, từ năm 2012 đến nay Thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng KCNC, hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2, cung cấp gần 400ha đất sạch phục vụ công tác thu hút đầu tư và đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 3.
Với vị trí đắc địa, quỹ đất lớn, chi phí thuê nhà xưởng phù hợp, nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách ưu đãi hấp dẫn (thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hoàn trả tiền lương bồi thường, giải phóng mặt bằng…) cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, đến nay KCNC Đà Nẵng đã trở thành bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước; trong đó có những "đại bàng" đến từ các quốc gia lớn như Nhật Bản, Mỹ,…
Tính đến thời điểm hiện tại, KCNC Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, trong đó có 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 6.674 tỷ đồng; 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 607,6 triệu USD. Trong số này đã có 11/27 dự án hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 57,4ha (06 dự án FDI có vốn đăng ký đầu tư 271,1 triệu USD và 05 dự án trong nước vốn đăng ký 1.454,45 tỷ đồng). Đặc biệt có nhiều dự án FDI lớn như: Nhà máy sản xuất bảng mạch in (PCB) và vi cơ điện tử (MEMS) của Công ty Vector Fabricaton Inc (Mỹ) với tổng vốn 1.367 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD; dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (Mỹ) với tổng vốn lên tới 170 triệu USD; Dự án Tokyo Keiki Precision Technology với tổng vốn 40 triệu USD; Dự án Niwa Foundry Việt Nam với tổng vốn 30 triệu USD. Các dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và CNH - HĐH của TP.Đà Nẵng.
Ngoài 11 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện KCNC Đà Nẵng còn có 04 dự án đang đầu tư xây dựng, 12 dự án đang tiến hành các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án này đều đáp ứng điều kiện, tiêu chí về dự án công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao của thành phố.
Ông Phạm Trường Sơn cho biết, để tạo điều kiện cho các dự án cũng như các doanh nghiệp phát triển, bên cạnh những chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt, TP.Đà Nẵng còn quan tâm đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, vận tải cảng biển. Đặc biệt, Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch. Theo đó, Ban đã hỗ trợ thủ tục nhập cảnh, tạo điều kiện tối đa để các chuyên gia sớm triển khai công việc trong điều kiện bình thường mới. Theo dõi chặt chẽ tình hình, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn. Ngoài ra, Ban quản lý còn thường xuyên đối thoại, tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Những thành quả ban đầu của KCNC Đà Nẵng sẽ là bệ phóng quan trọng góp phần đưa Đà Nẵng ngày càng tiệm cận với mục tiêu trở thành đô thị công nghệ cao, đô thị thông minh và giàu bản sắc, xứng tầm thành phố đáng sống và đầu tư. Đây cũng chính là động lực để thời gian tới thành phố tiếp tục dồn lực đầu tư, từng bước đưa KCNC trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI