Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là nền tảng, động lực cho phát triển bền vững, vì vậy lĩnh vực này đã và đang được tỉnh Kon Tum quan tâm, chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực. Các đề tài, dự án KH&CN được thực hiện có tính ứng dụng cao, từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Kiểm tra quy trình nhân giống và kiểm nghiệm sản phẩm tại Trung tâm Ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại huyện Đăk Tô
Giai đoạn 2011 - 2022, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện 50 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh (đã tổ chức nghiệm thu 35 đề tài, dự án; 15 đề tài, dự án đang triển khai thực hiện). Đồng thời, đề xuất Bộ KH&CN xem xét phê duyệt 07 dự án KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình nông thôn miền núi (03 dự án do Trung ương quản lý; 04 dự án ủy quyền địa phương quản lý) với 05 dự án đã nghiệm thu. Các đề tài, dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp với việc nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng, quy trình công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững.
Thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sản xuất của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp nhận và triển khai ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như: Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh hại cây sâm Ngọc Linh; ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, cây ăn quả an toàn theo chuỗi giá trị tại huyện Kon Plông; mô hình nhân giống, trồng và sơ chế biến giảo cổ lam và độc hoạt theo GACP nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc; ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lợn lai 03 giống thương phẩm và chăn nuôi lợn thịt theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng phát triển KH&CN trong sản xuất gạch bê tông từ vật liệu sẵn có,...
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh nhìn chung vẫn còn những tồn tại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng các tổ chức và nguồn nhân lực KH&CN còn thiếu; thị trường KH&CN, thương mại hóa kết quả sau nghiên cứu trên địa bàn tỉnh chưa được hình thành. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: Bảo quản, chế biến, xử lý môi trường, chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi còn hạn chế,…
Khẳng định vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội”.
Với mục tiêu này, ngành KH&CN sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tập trung nguồn lực triển khai định hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, khoa học xã hội và nhân văn,… Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN; phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN; phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai truy xuất nguồn gốc; tăng cường hoạt động dịch vụ, tiềm lực khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị để từng bước hiện đại hóa công tác quản lý trên địa bàn.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI