ĐẮK LẮK

Simexco DAKLAK: Biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển

07:00:08 | 14/2/2023

Tình hình dịch bệnh, xung đột chính trị và quân sự trên thế giới đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN xuất khẩu. Vượt qua khó khăn, thách thức, nhiều DN đã nắm bắt cơ hội để ngược dòng tăng trưởng ấn tượng và Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) là một trong số đó. Doanh nhân Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak đã chia sẻ với Vietnam Business Forum về hành trình “lội ngược dòng”này.

Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của Simexco Daklak thời gian qua?

Được thành lập từ năm 1993 và bắt đầu làm xuất khẩu cà phê từ năm 1994, Simexco Daklak có bề dày 30 năm kinh doanh xuất khẩu cà phê - đây cũng là sản phẩm kinh doanh chủ lực của Công ty hiện nay. Điều đặc biệt là Simexco Daklak đã lựa chọn đúng định hướng gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bình quân mỗi Simexco Daklak xuất khẩu khoảng 105,000 ngàn tấn cà phê và cung ứng khoảng 20,000 tấn cà phê cho các nhà máy rang xay trong nước. Trong hai năm 2021, 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến động kinh tế - chính trị trên thế giới nhưng Simexco Daklak vẫn là một trong những DN kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng cao so với những năm trước (bình quân sản lượng tăng 20% đến 30%, doanh số đạt hơn 6,500 tỷ đồng).

Điều gì đã giúp Simexco Daklak có được những kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp?

Dịch Covid-19, đặc biệt là tình trạng “đông cứng”, “khoá chặt” như năm 2021 đã trở thành thách thức lớn của các DN. Tuy nhiên, nó cũng là động lực để các DN nhìn nhận lại, đánh thức bản thân, tái cơ cấu mô hình kinh doanh, vận dụng chuyển đổi số. Trong đó, Simexco Daklak đã làm rất tốt công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ đó không chỉ duy trì được hoạt động một cách liên tục và còn mang lại hiệu quả cao.

Ngay trong đỉnh dịch, khi rất nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất thì Simexco Daklak vẫn tăng trưởng cao, có thời điểm tăng đến 70%. Các đơn hàng của Simexco Daklak thực hiện rất trơn tru, đúng hạn giúp tăng uy tín, tăng lượng khách hàng và đơn hàng. Điều này trở thành động lực giúp Công ty tăng trưởng trong năm 2021 và và sản lượng tiếp tục tăng 20%, doanh số tăng 30% trong năm 2022.

Nhiều DN hiện vẫn chưa vượt qua được những khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thì nay lại phải đối diện với khủng hoảng kinh tế và chính trị trên thế giới. Từ câu chuyện vượt “bão đại dịch” của Simexco Daklak, ông có chia sẻ gì thêm?

Khó khăn nếu vượt qua được thì tinh thần, nội lực sẽ thêm vững vàng. Tôi vẫn thường nói với anh em trong Công ty, đại dịch Covid-19 có thể chưa phải là nặng nề nhất, rất có thể còn những khó khăn lớn hơn. Vậy nếu điều đó xảy ra thì phải làm gì? Chắc chắn chúng ta vẫn phải đối mặt và tìm giải pháp. Tinh thần đoàn kết, gắn bó, tìm tòi sáng tạo, đổi mới luôn phải được hun đúc. Mình tiến bộ hôm nay rất có thể sẽ lạc hậu vào ngày mai, do đó phải cùng động viên nhau, cùng cố gắng hơn nữa.

Là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, năng lực sản xuất hàng trăm tấn/ngày, xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia với sản lượng hàng trăm ngàn tấn nhưng Simexco Daklak vẫn phải nỗ lực để nói đến cà phê Việt Nam không chỉ là số lượng mà là chất lượng, là giá trị. Vì thế, dù xuất hàng trăm ngàn tấn cà phê mỗi năm nhưng khi xuất một container hàng cà phê đặc sản, chúng tôi vẫn thấy xúc động và tự hào.

Nói đến việc liên kết sản xuất với người nông dân, trong khi nhiều mối liên kết thất bại thì hoạt động này khá thuận lợi với Simexco Daklak?

Là DN kinh doanh ai cũng tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng với Simexco Daklak, chúng tôi luôn đặt lợi ích của đối tác lên trên, lên trước. Tôi cho rằng, trong chuỗi cung ứng của DN, đối tác phải mạnh thì mình mới mạnh được. Cùng nhau làm chiếc bánh lớn lên, cùng san sẻ lợi ích, cùng có lợi hơn là giành nhau một chiếc bánh nhỏ.

Simexco Daklak nằm trong số ít DN kinh doanh cà phê thành công. Ngành kinh doanh cà phê có phải quá khắc nghiệt?

Ngành kinh doanh nông sản nói chung, cà phê nói riêng quá rủi ro bởi nó đòi hỏi vốn lớn nhưng thị trường giá lại biến động khó lường. Dư nợ vài ngàn tỷ, hàng hóa trong kho hàng chục ngàn tấn trong khi việc chỉ một đêm giá rớt 100USD/tấn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, kinh doanh ngành cà phê điều quan trọng là phải nhanh nhạy và đặc biệt phải kiểm soát rủi ro, việc này còn quan trọng hơn việc làm ra tiền. Lời đừng tham, lỗ đừng mất bình tĩnh!

Tôi có cơ hội tham gia một vài chương trình khởi nghiệp, nhận thấy nhiều bạn trẻ khi bắt tay khởi nghiệp thường lúng túng, cái gì cũng muốn làm ngay, không biết việc nào nên làm trước, việc nào làm sau. Tôi vẫn thường khuyên làm gì cũng phải xác định kết quả đến đâu, có phương án quản trị rủi ro. Tôi mong các bạn đi lâu, đi dài, đi xa hơn là đi nhanh.

Từ những thành công đạt được, Simexco Daklak sẽ “thừa thắng xông lên”, thưa ông?

Thế giới có khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023. Tuy cũng muốn “thừa thắng xông lên” nhưng hoàn cảnh hiện nay buộc chúng tôi phải thận trọng. Do đó, năm 2023 Simexco Daklak đặt mục tiêu tăng trưởng bằng trung bình 5 năm, chứ không theo kết quả của năm 2022.

Simexco Daklak được thành lập từ năm 1993, là một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Simexco Daklak đã xây dựng được một mạng lưới thu mua trực tiếp từ các nông trại; kiểm soát chất lượng tại những vùng trồng cà phê trọng điểm, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê hiện đại và hệ thống đào tạo đội ngũ nhân viên trình độ cao. Công ty hiện đang liên kết với 32.000 hộ nông dân tạo nên chuỗi cung ứng khép kín từ nông trại cho đến người tiêu dùng. Nhà máy sản xuất công nghệ hiện đại 500 tấn/ngày, xuất khẩu đến hơn 125 quốc gia. 

Chọn lựa một mục tiêu tăng trưởng vừa phải và Simexco Daklak sẽ tập trung vào những mục tiêu mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Song song với khai thác tốt thị trường xuất khẩu, Simexco Daklak tiếp tục tăng cường hợp tác với người dân để giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời giúp Công ty có được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao.

Ngoài ra, Simexco Daklak sẽ tăng cường thêm các kênh bán hàng trong nước. Hiện Công ty đã trở thành nhà cung cấp đắc lực cho các nhà máy trong nước. Theo tôi, đã đến lúc thay đổi tư duy, phải nhìn nhận Việt Nam là nơi sản xuất thực phẩm của thế giới chứ không đơn thuần là nơi xuất nguyên liệu thô và Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới. Tư duy này giúp chúng ta chuyển từ việc xuất nguyên liệu thô sang đầu tư cho chế biến sâu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)