Điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm. Nhưng với quyết tâm cao và thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, cùng với phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả", Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk về hoạt động của đơn vị.
Ông có thể cho biết những thách thức mà ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt hiện nay?
Trong quá trình triển khai thực hiện, những tồn tại, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, chúng tôi luôn nhận diện thẳng thắn để tìm cách tháo gỡ.
Ở Đắk Lắk, đời sống kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế; hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phát triển chậm, chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động, chưa có chính sách riêng biệt để thu hút lao động nên đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc rất ít. Do đó, công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có tăng nhưng chậm và thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, năm qua, tác động của chính sách đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Ví dụ: Từ ngày 01/01/2022, điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (từ 700.000 đồng/tháng lên 1.500.000 đồng/tháng) theo Nghị định số 07/2021/NQ-CP của Chính phủ đã gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không thuộc diện hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐUBDT (sau thay thế bằng Quyết định số 612/QĐ-UBDT) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tác động rất lớn đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh, theo đó số người không còn thụ hưởng chính sách BHYT là 149.604 người. Đồng thời, từ ngày 01/01/2022 trên địa bàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đến người dân sinh sống trên địa bàn một số thôn không thuộc thôn đặc biệt khó khăn bị giảm thẻ.
Cán bộ BHXH tỉnh Đắk Lắk tư vấn, hướng dẫn cho người dân
Trong hoàn cảnh đó, kết quả mà BHXH tỉnh Đắk Lắk đạt được trong năm 2022 như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2022, BHXH tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nỗ lực phấn đấu tập trung triển khai nhiều giải pháp và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tính đến tháng 11/2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là 106.656 người, đạt 97,8% kế hoạch; tự nguyện là 17.732 người, đạt gần 60% kế hoạch; BHTN: 95.268 người, đạt 97,81% kế hoạch; BHYT: 1.609.945 người, đạt 95,95% kế hoạch; số thu là 3.001,616 tỷ đồng, đạt 85,29% kế hoạch được giao.
Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện đúng theo quy định; công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo an toàn, kịp thời; công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã đi vào nề nếp; công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa phương thức truyền thông; công tác tổ chức cán bộ được quan tâm chỉ đạo.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Đắk Lắk đề ra những giải pháp gì, thưa ông?
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tập trung cao độ, nỗ lực lớn nhất, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; tăng cường phân cấp, phân quyền trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc “4 Rõ”: “Rõ người - Rõ việc - Rõ trách nhiệm - Rõ kết quả”.
Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; đặc biệt là tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Phân loại đối tượng tiềm năng theo từng địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia; đồng thời phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn rà soát hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình để phát triển người tham gia BHYT được mức hỗ trợ mức cao nhất của Nhà nước.
Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương, các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông; đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC. Phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, thái độ ứng xử và phong cách phục vụ của công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH,... Thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, với phương châm hành động trong toàn ngành: “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”.
Tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ thêm nỗ lực của BHXH tỉnh Đắk Lắk trong vấn đề này?
Trong những năm qua, công tác cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được cơ quan BHXH tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Chuyển đổi số được toàn ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH. Nói đến việc chuyển đổi số là phải nói đến sự thay đổi về tư duy ứng dụng CNTT từ đội ngũ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động toàn cơ quan, đồng thời làm nâng cao chất lượng công tác và gia tăng trách nhiệm, tinh thần phục vụ đối với mọi người dân của cán bộ, viên chức trong ngành.
Từ những nỗ lực ấy, năm 2021 BHXH tỉnh được đánh giá là đơn vị đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh khối sở, ban, ngành của tỉnh (theo Quyết định số 3844/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt và công bố Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đắk Lắk).
Trân trọng cảm ơn ông!
Quốc Hưng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI