Thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Kạn (BIDV Bắc Kạn) đã trở thành kênh cung cấp vốn uy tín cho nền kinh tế địa phương. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quốc Toản - Giám đốc BIDV Bắc Kạn.
Ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự lễ chuyển giao và tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên Đảng bộ BIDV Bắc Kạn
Ông có thể điểm lại những dấu ấn của BIDV tại tỉnh Bắc Kạn thời gian qua?
Với vai trò ngân hàng thương mại lớn, BIDV đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cho khách hàng trên địa bàn tỉnh. BIDV cũng tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội ủng hộ công tác phòng chống dịch, đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ giáo dục, an ninh quốc phòng, y tế, phát triển cộng đồng.
BIDV đã đầu tư nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn như thế nào?
Trong thời gian qua, BIDV đã cho vay đầu tư hiệu quả đối với các dự án ở các lĩnh vực như: Thủy điện, xây dựng cơ bản, sản xuất gỗ dán, kim loại màu,…
Đơn cử, về thủy điện có dự án Nhà máy thủy điện Tà Làng với công suất thiết kế 4,5MW tại huyện Ba Bể của Công ty cổ phần Sản xuất Vật liệu xây dựng Bắc Kạn; dự án Nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 với công suất thiết kế 5,5MW tại TP.Bắc Kạn của Công ty cổ phần Sông Đà Bắc Kạn,...
Về xây dựng cơ bản: Các dự án của Công ty CP Hồng Hà, Công ty CP Xây dựng Thăng Long, Công ty CP Đầu tư xây dựng 399,…
Về sản xuất gỗ dán: Các dự án tại KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới, như Công ty CP Đầu tư Govina, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc,...
Về sản xuất kim loại màu: Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn,…
Qua ghi nhận thực tiễn, các doanh nghiệp đều có chung nhận xét về BIDV: Thuận lợi khi tiếp cận và thủ tục vay vốn nhanh gọn.
Được biết, việc xây dựng, triển khai chiến lược kinh doanh gắn với củng cố bản sắc văn hóa doanh nghiệp của BIDV sẽ trở thành sức mạnh cốt lõi để phát triển BIDV nói chung, BIDV Bắc Kạn nói riêng. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Chặng đường lịch sử hình thành, phát triển của BIDV đã hun đúc cho BIDV những giá trị văn hóa đáng tự hào. Đó là tài sản vô cùng quý giá, là động lực giúp BIDV không ngừng phát triển, là yếu tố nền tảng góp phần kết nối và tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp cho BIDV.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong 3 trụ cột của chiến lược phát triển kinh doanh, trụ cột Nguồn nhân lực và Văn hóa doanh nghiệp được BIDV xác định có vai trò vô cùng quan trọng để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, củng cố văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng tăng cường sự gắn kết của cán bộ và khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.
Nhằm bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2023, BIDV đã và đang cung cấp các dịch vụ tài chính ưu việt nào để phục vụ các khách hàng cá nhân, tổ chức?
Đối với khách hàng cá nhân/hộ kinh doanh: Hiện nay BIDV đang triển khai gói cho vay sản xuất kinh doanh 50.000 tỷ đồng; cho vay nhu cầu nhà ở với gói 100.000 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi thấp hơn các ngân hàng khác trên cùng địa bàn khoảng 0,5%; cho vay tín chấp với hạn mức tối đa 30 tháng, không quá 500 triệu đồng với lãi suất từ 10 - 12%/năm.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, về tín dụng, ngay từ đầu năm 2023, BIDV đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng doanh nghiệp (KHDN) như: Các gói tín dụng ngắn hạn VND, USD dành cho đối tượng KHDN với quy mô 120.000 tỷ đồng; gói tín dụng dành cho KHDN FDI với quy mô dư nợ tối đa 11.000 tỷ đồng và 700 triệu USD; gói tín dụng trung dài hạn dành cho KHDN với quy mô dư nợ tối đa 30.000 tỷ đồng; gói tín dụng VND đối với KHDN ngành dược phẩm với quy mô 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cùng với công cuộc chuyển đổi số của KHDN, BIDV đã triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua hệ thống Omni iBank cho phép các KHDN thực hiện các giao dịch vấn tin tài khoản, chuyển tiền, mua bán ngoại tệ, gửi tiết kiệm,… trên 2 nền tảng Web và Mobile App. Ngoài ra BIDV đã triển khai Cổng thông tin điện tử BIDV SMEasy (địa chỉ truy cập https://smeasy.bidv.com.vn) với mục đích cung cấp giải pháp toàn diện dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bao gồm: (i) Giới thiệu các dịch vụ tài chính BIDV cung cấp cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng; (ii) Cung cấp các giải pháp phi tài chính nhằm hỗ trợ các DNNVV phát triển và quản lý hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị bao gồm: Chương trình đào tạo trực tuyến, báo cáo nghiên cứu, chuyển đổi số, tọa đàm, câu chuyện thành công, kết nối kinh doanh, truyền thông, bộ công cụ quản trị, khảo sát, thông tin khác.
BIDV với sự cởi mở, nhiệt tình, chu đáo và thân thiện với khách hàng
BIDV sẽ có những hỗ trợ như thế nào để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, thưa ông?
Với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển”, BIDV Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các gói vay ưu đãi, các giải pháp tài chính ưu việt hiện nay đang được triển khai. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn.
Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của tỉnh Bắc Kạn cũng như có đề xuất gì với chính quyền tỉnh?
Bắc Kạn có môi trường xã hội an toàn, diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, có tiềm năng phát triển du lịch cùng những chính sách ưu đãi cao theo Luật Đầu tư công,… Đây là những lợi thế để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi có các kiến nghị như sau. Thứ nhất là cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh: Rà soát, ban hành đồng bộ các văn bản quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành,… đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm các các quy định thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí thấp.
Thứ hai là tập trung khai thác thế mạnh của địa phương: Bắc Kạn cũng cần nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó nên tập trung vào 3 thế mạnh: Trồng rừng và chế biến gỗ, khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phát triển du lịch hồ Ba Bể.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đức Bình (Vietnam Business Forum)