HÀ GIANG

Thành phố Hà Giang: Nhiều điểm sáng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội

09:59:39 | 20/9/2023

Là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội (KT – XH) của tỉnh, thành phố Hà Giang từng bước khẳng định vai trò, tiềm năng và lợi thế trong phát triển. Hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh; phạm vi, không gian và quy mô mở rộng, đa dạng về loại hình với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước và tăng trưởng chung của tỉnh.


Ông Nguyễn Danh Hùng,Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 – 2025. Thành phố Hà Giang triển khai nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm trong bối cảnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, lĩnh vực phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu: Ước tính đến hết năm 2023, có 08 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết; 08 chỉ tiêu đạt trên 90% so với Nghị quyết; 02 chỉ tiêu đạt trên 70% so với Nghị quyết; 01 chỉ tiêu trên 50% so với Nghị quyết; 01 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với Nghị quyết. Về 23 chỉ tiêu cụ thể: Ước tính đến hết năm 2023, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết; 07 chỉ tiêu đạt trên 90% so với Nghị quyết; 01 chỉ tiêu trên 50% so với Nghị quyết.

Phát triển ngành thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại

Thành phố Hà Giang xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với quy hoạch phát triển KT - XH chung của tỉnh, thành phố và phát huy vai trò của đô thị trung tâm. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố về phát triển thương mại - dịch vụ, trong đó đã khẳng định phát triển thương mại dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại - dịch vụ chiếm 78,62%, tăng 0,42% so với năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 5.156,8 tỷ đồng (tăng 29,8% so với năm 2020). Thương mại - dịch vụ có bước phát triển về quy mô, chất lượng, thể hiện vai trò động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng cấp các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách và nhân dân trên địa bàn như: Khách sạn Yên Biên Luxury; khách sạn, nhà hàng Queen; nhà hàng, khách sạn Đức Giang; cửa hàng Điện máy Gia Hưng; siêu thị FPT; siêu thị WinMart, siêu thị HT. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 5.156,8 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 6.150 tỷ đồng, đạt 92% so với chỉ tiêu Nghị quyết; riêng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2022, đạt 561,3 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 635 tỷ đồng. Số cơ sở sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố hiện có 4.952 hộ, cơ sở kinh doanh, thu hút trên 12.600 lao động phát triển nhanh về số lượng và năng lực kinh doanh góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu được quan tâm thực hiện tốt, bước đầu đã xây dựng và phát triển một số thương hiệu sản phẩm OCOP, mang tính đặc thù của địa phương. Hệ thống chợ phát triển đúng quy hoạch và theo hướng xã hội hóa; chỉ đạo hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp quản lý và khai thác đối với 05 chợ gồm: Chợ trung tâm thành phố Hà Giang, chợ Minh Khai, chợ Ngọc Hà, chợ Phương Độ, chợ Phương Thiện. Nâng cao chất lượng dịch vụ trên các lĩnh vực du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp lý,... đáp ứng yêu cầu thị trường, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Cùng với xu thế phát triển chung, hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh, các chuỗi hệ thống cung ứng, vận chuyển hàng hoá, logistic đều có chi nhánh tại Hà Giang,... Quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại - dịch vụ được tăng cường, hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại được quan tâm và thực hiện thường xuyên.

Hoạt động du lịch có bước phát triển về quy mô và chất lượng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay thành phố đã đón 1,15 triệu lượt khách du lịch (tăng 1,1 lần so với năm 2020), đạt 52,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết, doanh thu trên 819 tỷ đồng; có 2.132 người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch (tăng 135% so với năm 2020). Hoạt động quảng bá du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông,… Hệ thống các khách sạn nhà hàng, khu du lịch, làng văn hóa du lịch, các homestay, farmstay không ngừng phát triển đã đáp ứng nhu cầu du lịch, trải nghiệm và tổ chức các sự kiện quy mô cấp tỉnh, khu vực. Triển khai Đề án bảo tồn Văn hoá truyền thống dân tộc Dao, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Tha xã Phương Độ,…

Công nghiệp, thủ công nghiệp; khoa học công nghệ phục hồi sau đại dịch

Sau đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp đang từng bước phục hồi và ngày càng phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp năm 2022 đạt 1.129,7 tỷ đồng (tăng 36,6% so với năm 2020). Các doanh nghiệp thích ứng kịp thời với cơ chế thị trường, năng động, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, máy móc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; hiện nay có 02 nhà máy thuỷ điện và 980 cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp đang hoạt động (tăng 05 cơ sở so với năm 2020). Tiểu thủ công nghiệp của thành phố phát triển đa dạng, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Một số sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận, nhất là sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm sản tăng cao phục vụ nhu cầu và được người tiêu dùng ưa chuộng như sản xuất bánh chưng gù, các sản phẩm chế biến từ chè shan tuyết,...

Hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định. Trong những năm qua, các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được các doanh nghiệp chú trọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - thủ công nghiệp, nông nghiệp và phát triển các sản phẩm đặc thù, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững của thành phố. Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu 01 đề tài khoa học; triển khai 03 dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật. Xét công nhận 500 sáng kiến cấp cơ sở, đề nghị tỉnh công nhận 30 sáng kiến. Chỉ đạo duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001-2015. Tập trung triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm "Bánh chưng gù Ngọc Đường" và sản phẩm na núi đá  phường Quang Trung.

Đầu tư xây dựng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm và dự án khởi công mới. Thực hiện giải ngân đến ngày 30/06/2023 là 41.181/148.884 triệu đồng, đạt 28% kế hoạch tỉnh giao, trong đó giải ngân từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia là 17.738/25.743 triệu đồng, đạt 68,9%. Giải ngân dựa trên kết quả tiến độ thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh là 41.181/58.773 triệu đồng, đạt 70,07 kế hoạch. Thực hiện khởi công 23/49 công trình do thành phố và UBND xã/phường làm chủ đầu tư, riêng trong tháng 6 khởi công 10 dự án sửa chữa trường, lớp học và làm đường giao thông nông thôn thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia do các xã làm chủ đầu tư, quyết toán 15 dự án, hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh cho chủ trương xây dựng các hạng mục tại khu di tích khởi công con đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh khởi công đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố.

Nông nghiệp chuyển dịch phù hợp với quá trình đô thị hóa

Nông nghiệp chuyển dịch phù hợp với quá trình đô thị hóa, đạt hiệu quả sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển theo hướng an toàn thực phẩm gắn với phát triển du lịch và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác cây hàng năm. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 417,1 tỷ đồng (tăng 16,6% so với năm 2020). Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2022, đạt 2.039ha/2000ha (đạt 102% so với Nghị quyết Đại hội, tăng 61ha so với năm 2020); tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 4.904,3 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/1ha đất trồng cây hàng năm, ước đạt 116 triệu đồng (tăng 6 triệu đồng so với năm 2020, đạt 97% so với Nghị quyết Đại hội); có 21 sản phẩm OCOP được công nhận, vượt 01 sản phẩm so với Nghị quyết (tăng 16 sản phẩm so với năm 2020); tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2023 chiếm 56% giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ tăng đàn lợn đạt 11,2%, đàn gia cầm 13,05%; duy trì diện tích nuôi trồng thuỷ sản 89,9ha. Ban hành Kế hoạch về lãnh, chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp; về bảo tồn phát triển diện tích chè shan tuyết cổ thụ, chương trình cải tạo vườn tạp và tập trung triển khai các chương trình, đề án, lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được quan tâm, chú trọng sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, trải nghiệm được thực hiện và nhân rộng như: Trồng hoa cải, hoa tam giác mạch, bảo tồn phát triển diện tích chè shan tuyết cổ thụ,...

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo: Ban hành chỉ thị về tăng cường chỉ đạo đối với công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, tỷ lệ che phủ rừng hết năm 2023 ước đạt 70,5% (đạt 99,3% so với Nghị quyết Đại hội, tăng 0,8% so với năm 2020). Tăng cường, chủ động các biện pháp ứng phó và khắc phục thiên tai; từ năm 2021 đến nay xảy ra 13 đợt thiên tai, thành phố đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và phối hợp huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Chia sẻ về những định hướng phát triển thành phố Hà Giang trong thời gian tới, ông Nguyễn Danh Hùng – Chủ tịch thành phố cho biết “Mục tiêu những năm tới của thành phố là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ, du lịch; mở rộng đô thị. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo tiền đề cho ngành nghề khác phát triển, phù hợp với quy hoạch phát triển KT - XH. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hà Giang cơ bản hoàn thành tiêu chí đô thị loại II; đến năm 2030, trở thành trung tâm du lịch của tỉnh; đến năm 2045, trở thành thành phố phát triển toàn diện có môi trường đáng sống nơi địa đầu tổ quốc”.

Nguôn: Vietnam Business Forum