Những năm qua, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Hà Giang có nhiều khởi sắc. Sức hấp dẫn này đến từ việc triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) theo phương châm “các nhà đầu tư ở Hà Giang là công dân của Hà Giang, thành công của DN chính là thành công của tỉnh”. Cùng với đó, việc dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I) được khởi công xây dựng cũng hứa hẹn mở ra giai đoạn mới trong thu hút đầu tư vào địa phương này.
Nằm ở phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 320km, Hà Giang sở hữu cho mình đường biên giới dài hơn 277 nghìn km tiếp giáp với Trung Quốc cùng các cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo), cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở qua lại trên biên giới,… Điều này được ví như cánh cửa rộng lớn, giúp các DN trong tỉnh vươn xa và thâm nhập vào thị trường tiềm năng và đông dân nhất thế giới. Ngoài ra, Hà Giang có nguồn lao động dồi dào với 76% trong độ tuổi lao động, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cả về kim loại và phi kim; có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ; nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, cây dược liệu đủ đáp ứng cho công nghiệp chế biến phát triển,… là điều kiện thuận lợi cho các DN trong, ngoài nước đến đầu tư và hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Hà Giang hiện có 01 KKT cửa khẩu Thanh Thuỷ và 01 KCN Bình Vàng. Trong đó, KKT cửa khẩu Thanh Thuỷ với tổng diện tích tự nhiên 28.781ha thuộc địa phận 07 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xin Chải, Lao Chải, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và Phương Độ (TP.Hà Giang). Tính đến ngày 15/6/2023, KKT cửa khẩu Thanh Thuỷ thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1195,610 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy/trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng phát triển đầu tư đạt 98,33%. Riêng KCN Bình Vàng có quy mô 254,77ha và chia ra làm 02 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn I đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng trên điện tích 142,009ha. Tính đến ngày 15/6/2023 có tổng số 25 dự án đầu tư với tổng mức vốn đăng ký là 3653,092 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 84,39% diện tích.
Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Hà Giang Hoàng A Chinh cho biết: Sự hình thành và phát triển của các KCN, cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Đồng thời tác động tích cực đến việc hình thành phát triển ngành dịch vụ tại địa phương (tài chính, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống,... ), tạo việc làm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ngoài ra, việc thu hút lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà, là nhân tố quan trọng góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để gia tăng sức hấp dẫn cho các KCN, KKT, Ban quản lý KKT tỉnh Hà Giang sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; phối hợp các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch chung KKT cửa khẩu Thanh Thủy đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 125/QĐ-TTg) sau khi Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch; triển khai công tác lập Quy hoạch phân khu tại xã Phương Tiến; trình UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các xã còn lại của KKT cửa khẩu Thanh Thuỷ; rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của KCN, KKT theo nhu cầu thực tế.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các dự án sắp hết hạn tiến độ và các dự án đã hết tiến độ, ban hành văn bản đôn đốc các nhà đầu tư; kêu gọi thu hút đầu tư vào các lô đất trống đã giải phóng mặt bằng trong KCN, KKT cửa khẩu Thanh Thủy. Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư, giải quyết vướng mắc, yêu cầu của nhà đầu tư theo thẩm quyền.
Đặc biệt, quán triệt cán bộ viên chức nâng cao chất lượng, năng lực và kỹ năng ứng xử phục vụ công vụ, nhất là cán bộ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, đẩy mạnh hỗ trợ DN cải thiện môi trường kinh doanh. Phấn đấu 100% TTHC được giải quyết đúng và trước hạn. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức các tài liệu xúc tiến đầu tư. Thường xuyên cập nhật dữ liệu về cơ chế chính sách đầu tư, tình hình quỹ đất, các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dữ liệu về định hướng thu hút đầu tư, dữ liệu về nguồn lao động, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư,... liên quan đến KCN, KKT trên Website xúc tiến đầu tư của tỉnh và trang thông tin điện tử cơ quan để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, sự chuyển dịch đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao (theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,86 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ). Đây là cơ hội thu hút DN đầu tư vào KCN, KKT cửa khẩu tỉnh Hà Giang” - ông Hoàng A Chinh nhấn mạnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum