Bắc Ninh là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ở mức cao. Để có được kết quả đó tỉnh đã tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
So với các tỉnh thành khác, Bắc Ninh có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý. Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc. Hệ thống giao thông thuận lợi với hệ thống đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh, các tuyến đường quan trọng nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của phía Bắc. Bên cạnh đó, Bắc Ninh nằm ở vị trí gần sân bay quốc tế Nội Bài và cảng biển Hải Phòng… đã tạo cơ hội tốt cho giao lưu kinh tế và luân chuyển hàng hóa của tỉnh. Vì vậy, cho đến nay, nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ... đã đến đầu tư tại Bắc Ninh, có thể kể đến như Samsung, Canon, Suntory PepsiCo, Foxconn, Amkor, Goertek, Hanwha Techwin… đều lựa chọn Bắc Ninh để đầu tư.
Bên cạnh đó, hệ thống các khu, cụm công nghiệp của tỉnh cũng ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khởi đầu với KCN Tiên Sơn (năm 1998), đến nay tỉnh có tổng số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 12/16 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN được thành lập có diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.481,57ha. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 60,04 %. 9 tháng năm 2023, tỉnh thu hút được 91 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh, đạt 1.308,34 triệu USD (79 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 1.172,48 triệu USD; 12 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 3.124,8 tỷ đồng tương đương 135,86 triệu USD). Sau nửa nhiệm kỳ, các KCN Bắc Ninh thu hút hơn 5 tỉ USD, đứng thứ 7 cả nước (từ 19,7 tỉ USD năm 2020 lên 24,7 tỉ USD năm 2023).
Tại các KCN Bắc Ninh đã hiện diện các tập đoàn danh tiếng thế giới, có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh tạo giá trị gia tăng cao, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, điện, nước, nhà ở… được triển khai xây dựng đồng bộ, đúng quy hoạch, kết nối với tuyến giao thông đối ngoại tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhằm tạo ra những lợi thế so sánh năng động, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI, trong nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chính quyền tỉnh thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành.
Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2023 với chủ đề “Sẵn sàng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển” được tổ chức vào tháng 6/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, đây là dịp để lắng nghe tiếng nói thẳng thắn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để các cấp chính quyền tỉnh nhìn nhận thực tiễn các vấn đề đang đặt ra, tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng phát triển. Tại Hội nghị này, Bắc Ninh đã công bố Quyết định và ra mắt 5 tổ chuyên gia gỡ khó, đồng hành cùng doanh nghiệp bao gồm: Tổ Quy hoạch – Xây dựng; Tổ đất đai – Môi trường; Tổ Đầu tư; Tổ lao động và Tổ an ninh, an toàn với phương châm: “Chính quyền thấu hiểu, đồng hành, kiến tạo bứt phá", nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, qua nghe những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, tỉnh càng thấy rõ hơn những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh gặp phải và khẳng định: lãnh đạo tỉnh luôn coi khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn chung của tỉnh, cần giải quyết.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Bắc Ninh chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư để xử lý triệt để, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; Tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, như mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; Nguồn cung lao động có tay nghề; Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị.
Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu những giải pháp mang tính đột phá nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; Thiết lập môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được là một trong những nội dung quan trọng để địa phương tiếp tục thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Anh Quỳnh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI