Với việc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu cùng các chương trình, đề án mang tính đột phá, Bắc Giang đã trở thành điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp cả nước. Tỉnh đang nỗ lực bứt phá, tập trung nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang.
Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản
Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã góp phần tạo nên một Bắc Giang phát triển năng động thông qua việc tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào, thưa ông?
Ngành đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; đồng thời xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng (sản phẩm OCOP). Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khá cao (năm 2021 đạt 4,28%; năm 2022 đạt 2,00%, năm 2023 ước trên 2%); bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Cụ thể:
Rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tham mưu ban hành cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nông nghiệp, đồng thời rà soát cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế.
Làm tốt dự báo, phân tích tình hình để đưa ra mục tiêu, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm sản; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác hàng hóa truy xuất nguồn gốc và quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ” để tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra đôn đốc cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Lê Minh Hoan thăm vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn
Qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 685/KH-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh) đã đạt được kết quả nổi bật nào?
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tiếp tục đạt tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất đạt 138 triệu đồng/ha canh tác. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên và tiêu thụ thuận lợi. Sản lượng gỗ khai thác cao nhất từ trước đến nay đạt 1,0 triệu m3. Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 84,6% xã đạt chuẩn NTM, tăng 30 xã so với năm 2020; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 30,76%; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 332 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 18,1 tiêu chí/xã; có thêm Lục Nam đạt chuẩn NTM nâng tổng số có 6/9 huyện đạt chuẩn NTM.
Tiềm năng, lợi thế và định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Bắc Giang những năm tới ? Để hấp dẫn nhà đầu tư hơn, Sở đang tham mưu tháo gỡ điểm nghẽn nào, thưa ông ?
Bắc Giang được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Tỉnh là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất, “thủ phủ” trái cây miền Bắc với tổng diện tích hơn 51 nghìn ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Những năm gần đây, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng các vùng nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy trình sản xuất, phát triển hệ sinh thái bền vững, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chế biến rau quả, thực phẩm gắn với xây dựng vùng nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao... ; các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn, thịt gà xuất khẩu...; các dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn; sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng có công nghệ tiên tiến.
Hiện Sở đã, đang trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển ngành Nông nghiệp, nổi bật như: Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030;... Các chính sách được ban hành sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DDCI), năm 2019, Sở NN&PTNT xếp 6/14, năm 2020 và 2021 xếp 14/15 các sở, ngành. Năm 2022 - 2023, Sở tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), chuyển mạnh sang tư duy phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thường xuyên lắng nghe phản ánh, đánh giá của tổ chức, cá nhân về các hoạt động và sự phục vụ,… Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhận thức của cán bộ công chức, viên chức về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, DDCI đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Phát triển vùng chuyên canh lớn Những năm qua, Bắc Giang đã thực hiện tuyên truyền, đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu. Toàn tỉnh đã chuyển đổi 7.236ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm (6.981ha); trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản (255ha); xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, giá trị kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô trên 21.000ha tập trung tại Hiệp Hòa, Tân Yên; chế biến rau an toàn quy mô trên 2.600ha tập trung tại Tân Yên, Lạng Giang;... Nhiều sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, có giá trị kinh tế cao như: Vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, lúa thơm Yên Dũng, Lạc giống Tân Yên,... Chăn nuôi quy mô lớn Ngành chăn nuôi của Bắc Giang luôn nằm trong TOP 10 tỉnh, thành có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm chăn nuôi không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra các tỉnh lân cận. Ngành cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng tỷ lệ chăn nuôi tập trung quy mô trang trại tập trung; chuyển từ sản xuất chăn nuôi sang phát triển kinh tế chăn nuôi; từ sản xuất manh mún sang phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; chăn nuôi theo chuỗi khép kín; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh 04 đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò trên địa bàn tỉnh còn phát triển đa dạng các đối tượng vật nuôi theo lợi thế từng địa phương như: Nuôi ong mật, ngựa bạch tại Lục Ngạn, nuôi dê tại Yên Thế, Lục Nam,... Đẩy mạnh Chương trình OCOP Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 205 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 03 sao trở lên, trong đó: 174 sản phẩm 3 sao; 31 sản phẩm 4 sao; có 01 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch. Dự kiến kết thúc đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2023 (tháng 7/2023) toàn tỉnh tăng thêm khoảng 40 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 3 sao; 01 sản phẩm 4 sao). Lũy kế toàn tỉnh có 245 sản phẩm OCOP, trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 213 sản phẩm 3 sao), vượt 114 % so với kế hoạch năm 2023, tăng thêm 35 sản phẩm. |
Nguồn: Vietnam Business Forum