Chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời cơ và thách thức, điểm mạnh và điểm yếu luôn tồn tại đan xen, tác động qua lại lẫn nhau. Với thế và lực, đặc biệt là những nỗ lực, kiên trì đổi mới sáng tạo, Bạc Liêu đã tranh thủ thời cơ, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, vượt qua thách thức để phát triển.
Ông có thể cho biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua?
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 13/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các đơn vị, với sự quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Bạc Liêu đã phát triển và đạt một số kết quả khả quan.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất, sản lượng, nhất là lúa, tôm. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng 8,96% so với cùng kỳ.
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều diễn biến tích cực; hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa tăng khá cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường tăng 18,99% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,18% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 84,05% dự toán.
Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới và thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung và hình thức phong phú tạo được không khí tươi mới, góp phần cổ vũ tinh thần nhân dân trong lao động, sản xuất. Quốc phòng và an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án điện gió Hòa Bình 5, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu
Tình hình kinh tế chính trị thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, khiến việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Bạc Liêu đã gặp những khó khăn và thách thức gì, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có thể kể đến như:
Giá tôm thương phẩm giảm, trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, nhất là vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ còn khó khăn, năng lực cạnh tranh chưa cao; một số sản phẩm công nghiệp giảm như sản lượng điện mặt trời, bia, dệt may. Hoạt động xuất khẩu tuy có cải thiện nhưng còn chậm, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng mới chỉ đạt 67,7% kế hoạch, chủ yếu là các mặt hàng thủy sản.
Một số kết quả nghiên cứu khoa học chưa được sử dụng hoặc được áp dụng nhưng thiếu bền vững; việc thực hiện chuyển đổi số còn chậm. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, nguồn lực các cơ sở khám, chữa bệnh công lập còn hạn chế, thiếu trang thiết bị y tế hiện đại và nhân lực có trình độ chuyên môn sâu.
Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, các điểm du lịch chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, tính trải nghiệm của sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu những dịch vụ đặc sắc để giữ chân du khách.
Quảng trường Hùng Vương, TP.Bạc Liêu
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đảm bảo giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có giải pháp gì, thưa ông ?
Thời cơ và thách thức, điểm mạnh và điểm yếu luôn luôn tồn tại đan xen, tác động qua lại lẫn nhau. Với thế và lực, quyết định và quan trọng hơn cả vẫn là những nỗ lực bên trong, Bạc Liêu đã kiên trì đổi mới sáng tạo để tranh thủ thời cơ, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, vượt qua thách thức để phát triển.
Thời gian tới, để đảm bảo giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo tinh thần các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế -xã hội.
Hai là, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
Ba là, triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển. Triển khai thực hiện các giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó. Hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ sản xuất lúa và rau màu năm 2023.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh, sớm trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ đề ra.
Năm là, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các công trình, dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn.
Sáu là, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.
Bảy là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Quan tâm phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Viết Huynh (Vietnam Business Forum)