Năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức nhưng với vai trò nòng cốt của nền kinh tế ở lĩnh vực công nghiệp và thương mại, ngành Công Thương Bình Thuận đã khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xoay quanh nội dung về những kết quả đạt được và định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận.
Được biết, năm 2023, ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Ông có thể điểm lại vài kết quả nổi bật của ngành trong năm qua?
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động khó lường nhưng nhờ có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng DN trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của ngành Công Thương đạt được những kết quả tích cực.
Toàn cảnh Nhà máy điện gió Thái Hòa
Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Thuận (theo giá so sánh 2010) vẫn duy trì và tăng trưởng ước đạt 40.610,9 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước. Trong đó, nổi bật là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 16.822,7 tỷ đồng, tăng 11,66% so với năm trước đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 256,8 tỷ đồng, tăng 4,46% so với năm trước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 CCN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 27 CCN đã thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,33 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm, giải quyết việc làm cho khoảng 8.300 lao động tại địa phương. Một số dự án công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, động lực phát triển như: Dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW, tổng vốn đầu tư trên 04 tỷ USD đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, đang triển khai đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư.
Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng, miền trong tỉnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 95.480 tỷ đồng, tăng 28,57% so với năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 61.490 tỷ đồng, tăng 18,25% so năm trước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được tích cực triển khai và mang lại hiệu quả, nhất là xúc tiến các sản phẩm lợi thế của tỉnh thông qua các chương trình khảo sát, giao thương tại Chương trình Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023 - 2025; các chuỗi sự kiện Hội chợ Thương mại Quốc tế - Việt Trung (Lào Cai); chuỗi sự kiện Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh khu vực phía Nam tại tỉnh Hậu Giang;… Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương phát triển thương mại điện tử. Trong năm, đã hỗ trợ 18 cơ sở có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, đến nay đã có 98 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR Code. Triển khai sàn thương mại điện tử ngành Công Thương 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, đến nay có 54 DN đăng ký tham gia với 152 sản phẩm các loại….
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận năm 2023 ước đạt 904,4 triệu USD, tăng 7,33% so với năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so với năm trước.
Đóng góp vào kết quả nổi bật của ngành Công Thương và vào tăng trưởng chung của nền kinh tế không thể không nhắc tới dấu ấn của ngành công nghiệp điện, năng lượng, thưa ông?
Đối với ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW (gồm: 04 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284 MW; 07 nhà máy thủy điện, tổng công suất 819,5 MW; 09 nhà máy điện gió, tổng công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 1.110,11 MW; 01 nhà máy điện diesel huyện đảo Phú Quý, công suất 10 MW); tổng sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm. Sản lượng điện tiết kiệm được trong 11 tháng đầu 2023 đạt 53,82 triệu kWh (đạt 112,12% kế hoạch cả năm), dự kiến sản lượng điện tiết kiệm năm 2023 ước đạt 58,7 triệu kWh (đạt 122,3% kế hoạch năm).
Hiện nay, lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại địa phương đang có sức thu hút lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nhiều nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm thời gian qua đã đăng ký, đề xuất để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất khoảng hơn 25.000 MW. Triển khai Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án, công trình, chương trình trọng điểm về năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi dự án khí - điện LNG để giải quyết bài toán thiếu điện hướng đến thay thế các nhà máy điện than, làm nguồn điện nền để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương Dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, tập trung chỉ đạo các sở, ngành chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai 02 Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được, đâu là những lĩnh vực ngành Công Thương tập trung ưu tiên trong thời gian tới và các giải pháp đã được đề ra?
Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, là một trong ba trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị Quyết số 09 -NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV), tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là ngành chủ lực tăng nguồn lực tích lũy phát triển lâu dài cho nền kinh tế tỉnh nhà. Trong đó, phát triển công nghiệp sản xuất, phân phối điện và công nghiệp chế biến, chế tạo là 02 ngành chủ lực trong phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Thuận.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư tạo đột phá trong công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với sản phẩm lợi thế của tỉnh như: hải sản, nước mắm, thanh long, sầu riêng, cao su,...với quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng. Xây dựng và phát triển các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, CCN chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu (pigment, dioxit titan, titan kim loại, zircon cao cấp, monazit...).
Ngoài ra, thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các công trình, dự án lớn của ngành…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI