THỪA THIÊN - HUẾ

Hue-S: Dấu ấn trong chuyển đổi số

09:34:30 | 20/2/2024

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong trong việc ban hành và triển khai mạnh mẽ Chương trình chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, nền tảng ứng dụng Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai CĐS, thu hút số lượng rất lớn người dân tham gia.


Ông Nguyễn Xuân Sơn,  Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế

Thúc đẩy mạnh mẽ CĐS

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả CĐS để nâng cao năng lực bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn mô hình phù hợp, đó là dịch vụ thông minh và nền tảng Hue-S, với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và các DN, người dân. Nền tảng Hue -S đến nay thu hút 10 tập đoàn, DN tham gia tích hợp hơn 15 dịch vụ số, 800 nghìn lượt tải ứng dụng, bình quân mỗi người sử dụng 35 phút/ngày và từ năm 2017 đến nay đã có trên 17 triệu lượt truy cập. Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai CĐS.

Với lĩnh vực chính quyền số, 100% các cơ quan Nhà nước kết nối hạ tầng mạng chuyên dùng của Chính phủ; 100% các cơ quan Nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh và thư điện tử công vụ phục vụ hoạt động của đơn vị; 100% các văn bản được các cơ quan Nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số; 100% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); 48% (11/23) số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh.

Tỉnh đã nâng cấp toàn diện Cổng dịch vụ công tỉnh đảm bảo theo tiêu chí của Bộ TTTT. Tích hợp toàn diện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên nền tảng Hue-S. Các điều kiện cơ bản đảm bảo cho DVCTT đều được tích hợp sẵn sàng và người dân khi có nhu cầu có thể kích hoạt ngay trên Hue-S. Cụ thể: Tài khoản dịch vụ công được chuẩn hóa 100% bằng tài khoản định danh điện tử (Công dân tỉnh chỉ cần sử dụng một tài khoản duy nhất cho các nền tảng); tài khoản thanh toán điện tử được tích hợp ví điện tử trên Hue-S và kết nối DN, cung cấp dịch vụ đăng ký mở trực tuyến;...

Về kinh tế số, với việc tích hợp thành công ví điện tử, Hue-S đã góp phần thúc đẩy kinh tế số thông qua việc cung cấp giải pháp thanh toán liền mạch. Đến nay, đã có trên 72.300 tài khoản đăng ký thành công ví điện tử, mở 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S. Năm 2023, Sở TTTT cũng đã tiến hành tổ chức công bố các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như tuyến phố không dùng tiền mặt, lắp QR thanh toán tại các cơ sở kinh doanh,… Tích hợp nền tảng kết nối các sàn thương mại điện tử trên Hue-S hỗ trợ DN, hộ sản xuất nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời giúp quảng bá sản phẩm của địa phương. Sở cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai chương trình thúc đẩy các nền tảng số cho DN.

Về xã hội số, Sở đã triển khai chương tạo lập tài khoản số cho người dân thông qua hoạt động chuẩn hóa thông tin với tài khoản định danh điện tử (VNeID), 100% người dân trên địa bàn sử dụng thống nhất một tài khoản cho các hoạt nền tảng số phục vụ người dân trên địa bàn (VNeID; Hue-S, DVCTT, kết nối cơ quan Nhà nước,…).

Phối hợp với 5 DN cung cấp chữ ký số triển khai nền tảng đăng ký cung cấp chữ ký số trên Hue-S, tích hợp ký trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Nhờ đó, tạo sự chủ động cho người dân khi có nhu cầu có thể đăng ký trực tuyến cấp chữ ký số ngay trên Hue-S được liên kết với các DN. Đến nay, có gần 12.000 chữ ký số được đăng ký và cấp phát cho người dân thông qua hình thức trực tuyến trên Hue-S.

Phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an triển khai hoạt động chuẩn hóa địa chỉ số kết hợp số hóa địa chỉ hộ gia đình với xác thực thông tin nhân khẩu, bổ sung số hóa các dữ liệu hạ tầng số liên quan đến hộ gia đình, cá nhân và cung cấp dịch vụ số trên nền tảng địa chỉ số được chuẩn hóa (ứng dụng Nhà của tôi trên Hue-S).


Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chiến dịch cấp chữ ký số và kích hoạt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S

Gắn CĐS với nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiện nay, Sở TTTT đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PCI gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS. Đặc biệt, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư

Sở tổ chức cập nhật, đăng tải thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN tiếp cận, khai thác, tìm kiếm thông tin về đầu tư trên Cổng thông tin đối ngoại tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên nền tảng Hue-S. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các ứng dụng và các kênh cung cấp thông tin để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Đẩy mạnh CĐS trong DN: Hỗ trợ chi phí chứng thực chữ ký số cho DN mới thành lập; hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...

Ngành TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình CĐS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu hoàn thiện mô hình chính quyền số và xã hội số; đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT, ưu tiên CĐS đối với các lĩnh vực có thế mạnh như: Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc; đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân,…

Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Thúc đẩy nhanh CĐS hướng đến xây dựng chính quyền số, sớm nâng cấp hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ, trọng tâm là phát triển hạ tầng số cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tích cực phối hợp với Bộ TTTT cùng các tập đoàn, DN để liên kết, tích hợp các nền tảng số quốc gia đã được công bố nhằm nâng cấp nền tảng Hue-S theo hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ số của cơ quan Nhà nước cho DN và người dân.

Nguồn: Vietnam Business Forum