Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về chuyển đổi số (CĐS) xác định: CĐS là cơ hội để bứt phá vươn lên, là giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh. Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đến nay, CĐS ghi nhận có bước khởi đầu tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Bà Phạm Thị Doan - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La đã chia sẻ với phóng viên xung quanh nội dung này.
Lãnh đạo tỉnh thăm quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La
Năm 2023 được xác định là “Năm chuyển đổi số” của tỉnh Sơn La với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bà có thể cho biết những kết quả bước đầu đạt được từ quá trình CĐS?
Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đến nay, CĐS ghi nhận có bước khởi đầu tích cực, hạ tầng số trên địa bàn Sơn La phát triển rộng khắp, mạng di động 4G được triển khai đến tất cả các khu vực; 100% xã có hạ tầng băng rộng cáp quang. Mạng thông tin di động 4G phổ cập đến 100% xã; tỷ lệ bản được phủ sóng băng rộng di động 4G đạt 98,50%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94,86%. Tỷ lệ số thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh khoảng 59,64%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 39,05%; tỷ lệ người sử dụng internet toàn tỉnh ước đạt 46,34%.
Đặc biệt quá trình phát triển chính quyền số đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Sơn La liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Sơn La với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để thực hiện tra cứu, xác thực dữ liệu dân cư theo đúng quy định của Đề án 06/CP; Kết nối với Hệ thống quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kết nối với Hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông để triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông giữa các ngành Tư pháp - Bảo hiểm - Lao động - Thương binh và Xã hội - Công an,... Sơn La cũng đã triển khai các kênh số trên nền tảng mạng xã hội để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.
Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử (TMĐT) và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT. Hiện nay, hơn 2.440 sản phẩm của Sơn La được đưa lên sàn TMĐT, có gần 50.000 sản phẩm đã được giao dịch trên sàn. Đã cập nhật thông tin 112 sản phẩm OCOP của 65 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn TMĐT.
Trong quá trình thực hiện CĐS, tỉnh đã gặp những khó khăn, thách thức gì?
Bên cạnh những thành tựu bước đầu, quá trình CĐS và phát triển kinh tế số của tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn như: Hạ tầng CĐS chưa được đầu tư đồng bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 34 bản chưa được cung cấp dịch vụ 3G, 4G và còn nhiều vùng lõm sóng (trên 600 vùng); còn 4,6% hộ dân hoàn toàn chưa có điện thoại di động; khoảng 7,44% hộ dân chưa có điện thoại thông minh, không có kết nối internet. Do vậy một bộ phận dân cư còn khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ internet để khai thác, tìm kiếm thông tin, sử dụng các ứng dụng số.
Các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ chưa được thúc đẩy. Việc triển khai các nền tảng số chuyên ngành còn có vướng mắc trong cơ chế triển khai thử nghiệm.
Một số dịch vụ công trực tuyến vẫn phải thực hiện tiếp nhận, xử lý trực tiếp trên Hệ thống của bộ, ngành và chưa thể tích hợp đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh như: Kế hoạch và Đầu tư; Y tế; Giao thông vận tải, Tài chính,...
Bên cạnh đó, chưa xác định được chính xác tỷ trọng kinh tế số trong GRDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực ở tỉnh. Một số chỉ tiêu về xã hội số còn thấp như: Tỷ lệ dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số mới chỉ đạt 0,71%; Tỷ lệ người dân thực hiện tư vấn pháp lý, giáo dục, y tế,…thông qua các mạng xã hội còn hạn chế.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CĐS hiện nay còn thiếu, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực, nhất là chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin và CĐS. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số của người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Năm 2024, tỉnh Sơn La sẽ tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh CĐS trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã vạch ra, tỉnh Sơn La tập trung thực hiện nhóm giải pháp trọng tâm nào trong thời gian tới?
Tỉnh Sơn La tập trung thực hiện sáu nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, về nâng cao nhận thức, phát triển nhân lực: Nâng cao vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện CĐS ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Xác định CĐS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cán bộ, công chức, nhất là đối với người đứng đầu. Tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã về CĐS, kỹ năng số và công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thứ hai, về hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số: Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các bản trên địa bàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng internet; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng. Phát triển các nền tảng số để các cơ quan nhà nước quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến xã. Rà soát, hoàn thiện các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành, các huyện với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh.
Thứ ba, về phát triển chính quyền số: Tiếp tục tập trung triển khai các hệ thống giám sát, điều hành tại Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La để bảo đảm số liệu khi đưa lên Hệ thống IOC của tỉnh phải đúng, đủ, sạch, sinh, sống.
Triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh để cung cấp số liệu chính thức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của tỉnh Sơn La đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả.
Thứ tư, về phát triển kinh tế số: Tiếp tục hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề truyền thống cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động CĐS trong các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; quy hoạch đô thị; giao thông vận tải và logistic; nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục và đào tạo; văn hóa, du lịch; tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông; năng lượng.
Thứ năm, về phát triển xã hội số: Thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng xã hội số để hướng người dân sử dụng các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Thứ sáu, về an toàn thông tin, an ninh mạng: Bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng, đảm bảo hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định.
Trân trọng cảm ơn bà!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI