Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Sơn La đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo khu vực nông thôn ngày càng “thay da, đổi thịt”, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 83 xã đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì TP.Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn NTM.
Xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Nhiều kết quả tích cực
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Sơn La cho biết: Nhận thức rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, có tính kết nối liên xã, liên huyện theo vùng, nhất là giao thông nông thôn. Các tiêu chí về giao thông, điện, trường học, nhà ở dân cư, môi trường đạt hiệu quả tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều mô hình về phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội được xây dựng, phát huy hiệu quả cao, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2023, TP.Sơn La tiếp tục duy trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Quỳnh Nhai được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Trong năm 2023, toàn tỉnh công nhận 06 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu được giao, nâng tổng số đạt 65 xã đạt chuẩn NTM; 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số lên 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi khởi sắc toàn diện theo hướng hiện đại, kinh tế phát triển bền vững, tích hợp đa giá trị từ sản xuất - thương mại - dịch vụ - du lịch, nhiều mô hình bản làng sáng - xanh - sạch - đẹp được nhân rộng.
Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã NTM nâng cao; bình quân đạt 13,12 tiêu chí/xã trở lên, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Tổ chức rà soát, đánh giá lại 54 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2021 theo quy trình, thủ tục được quy định, phấn đấu giữ vững các xã đã được công nhận, công bố đạt chuẩn. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024. Phân công rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo hướng rõ nội dung nhiệm vụ; huy động tối đa các nguồn lực; lồng ghép, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được phân cấp theo quy định. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, sớm đưa các xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình đề ra. Năm 2024, tỉnh dự kiến tổng nguồn vốn trực tiếp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt khoảng 440.711 triệu đồng.
Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất của người dân nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Sơn La trong xây dựng NTM. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM.
Bám sát định hướng này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh như: Thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 84.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng đạt gần 456.600 tấn. Có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 2.714ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 43.570 tấn/năm; có 8.200ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Duy trì 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 151 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận.
Thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sơn La sẽ tiếp tục tổ chức tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, bám sát các Nghị quyết, Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như Nghị quyết số 06/NQ-TU, Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 24/9/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025,... |
Bên cạnh đó, huy động, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đến hết năm 2024, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành chiếm 25% tổng sản phẩm; 99% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 48%,...
Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến xây dựng Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Đây cũng là nền tảng quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và xây dựng NTM nói riêng.
“Có thể thấy, tái cơ cấu nông nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, và ngược lại xây dựng NTM là động lực cho thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Và Sơn La là tỉnh đã và đang thực hiện có hiệu quả những nội dung này”, ông Hà Như Huệ đánh giá.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI