ĐÀ NẴNG

Khơi dậy sức sống cho chợ truyền thống bằng nét đẹp văn minh - mến khách

15:39:04 | 15/7/2024

Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống đang đứng trước những thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng - đơn vị có chức năng quản lý, đầu tư, khai thác các chợ truyền thống Đà Nẵng xác định sẽ đồng hành cùng các tiểu thương xây dựng chợ truyền thống văn hóa trở thành điểm nhấn đặc biệt mang nét riêng của người Đà Nẵng hiền hòa - thanh lịch - mến khách. Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty đã chia sẻ cùng phóng viên về quyết tâm này.

Hoạt động trong điều kiện cạnh tranh ngày một gay gắt, tuy nhiên Công ty đã triển khai hoạt động tốt và phát triển bền vững. Đâu là nguyên nhân và động lực giúp đơn vị có được thành công trên?

Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương được UBND TP.Đà Nẵng giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, điều hành, hoạt động 4 chợ hạng 1 là chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường, với tổng hộ kinh doanh là 4.696 hộ (trong đó 3.277 hộ cố định, 1.419 hộ hàng rong).

Nhìn chung, các chợ do Công ty quản lý cơ bản khang trang sạch đẹp, hoạt động kinh doanh sầm uất. Hàng năm, Công ty đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao, nộp ngân sách và thuế trên 6 tỷ đồng/năm, hộ kinh doanh nộp thuế cho Nhà nước gần 50 tỷ đồng/năm. Từ năm 2014 đến nay, 4 chợ trực thuộc Công ty quản lý đều được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn chợ văn minh thương mại; từ năm 2019 đến nay có 3 chợ đạt chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hiện tại, chợ Cồn và chợ Hàn đang là 2 chợ vừa phục vụ dân sinh địa phương vừa phục vụ du lịch. Phải kể đến là chợ Cồn, nhất là sau khi cải tạo chỉnh trang lại khu ẩm thực Đình 15A đã tạo điểm nhấn, thu hút nhiều du khách đến tham quan mua sắm trải nghiệm hơn. Riêng tại chợ Hàn, trong năm 2023, Công ty đã sắp xếp bố trí lại một số khu vực kinh doanh phù hợp với điều kiện chợ du lịch, hình thành được khu ẩm thực từ phía cổng Bạch Đằng vào, làm mới cổng chợ phía đường Bạch Đằng và mặt tiền quanh chợ,... Nhờ vậy, bộ mặt chợ Hàn có nhiều thay đổi, lượng du khách đến đây ngày càng đông, đặc biệt là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,...

Có được thành công như hôm nay cũng nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, sâu sát của UBND thành phố, Sở Công Thương và các cơ quan ban ngành trên địa bàn. Đặc biệt, tập thể lãnh đạo, phòng, ban và toàn thể viên chức - người lao động (VC-NLĐ) trong Công ty luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, Công ty có Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở tại chợ nên thuận lợi trong công tác vận động hộ kinh doanh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách đề ra, nhất là trong công tác xây dựng chợ văn minh thương mại, chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn phẩm.

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, văn hóa buôn bán của các tiểu thương kinh doanh trong chợ,... được Công ty chú trọng ra sao?

Để chợ truyền thống duy trì ổn định, phục vụ tốt bà con kinh doanh buôn bán, Công ty xác định công tác PCCC, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, văn hóa buôn bán của các tiểu thương kinh doanh là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, Công ty tích cực xây dựng phương án PCCC tại 4 chợ, trang bị đầy đủ phương tiện dụng cụ PCCC, lực lượng bảo vệ chính là lực lượng PCCC tại chỗ.

Riêng về công tác vệ sinh môi trường, chúng tôi ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng quét thu gom rác thải. Riêng chợ Hàn là chợ du lịch nên đơn vị đã thành lập tổ vệ sinh là người lao động do Công ty trực tiếp ký hợp đồng, ngoài ra thành lập các tổ vệ sinh tự quản tại 4 chợ để hộ kinh doanh tự vận động nhau quét dọn, giữ gìn vệ sinh khu vực kinh doanh. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên kiểm tra yêu cầu hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm phải đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ bán hàng, bỏ rác đúng nơi quy định.

Chợ truyền thống hiện đứng trước nhiều thách thức. Theo ông, cần có những giải pháp gì để chợ truyền thống tìm lại được chỗ đứng cho mình?

Chợ truyền thống không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm kết nối giữ gìn văn hóa địa phương vùng miền, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố. Việc khai thác và đảm bảo duy trì phát triển tốt hoạt động chợ truyền thống là trách nhiệm của Công ty để góp phần cùng thành phố phát triển; đặc biệt là giúp hộ kinh doanh phục hồi ổn định kinh doanh buôn bán, có thu nhập nuôi sống gia đình, và đó cũng là yếu tố quan trọng giúp cho VC-NLĐ duy trì việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị,… thì thị phần chợ đang dần bị thu hẹp. Xu hướng bán hàng online trên các trang mạng xã hội dần trở nên thịnh hành nên phần nào hạn chế người tiêu dùng đến chợ, nhất là người trẻ. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có những quy hoạch để chợ truyền thống có thể thay đổi, phát triển và tìm lại được chỗ đứng của mình.

Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu xây dựng hiệu quả “chợ văn minh thương mại” và “chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Từng bước điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại các khu vực ngành hàng kinh doanh, diện tích điểm kinh doanh,... nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển đổi ngành hàng buôn bán phù hợp xu thế. Tập trung trang trí trong và xung quanh chợ, tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách vào chợ mua bán; vận động hộ kinh doanh đóng góp kinh phí tự cải tạo, chỉnh trang nâng cấp kiot, quầy kệ bán hàng. Tiếp tục quảng bá xây dựng thương hiệu các chợ trực thuộc Công ty; quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, để từ đó xây dựng được thương hiệu chợ truyền thống trong lòng du khách, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tiếp tục xây dựng chợ Cồn, chợ Hàn thành chợ phục vụ du lịch theo chủ trương của UBND thành phố và Sở Công Thương.

Tuyên truyền, vận động, tập huấn hộ kinh doanh nâng cao thái độ phục vụ; nâng cao kỹ năng bán hàng truyền thống và bán hàng online, tham gia sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng qua các nền tảng xã hội như ticktok, zalo,S facebook...; thực hiện chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt,... Tiếp tục duy trì nhóm bán hàng “CHỢ ĐÀ NẴNG” trên Facebook để hỗ trợ hộ kinh doanh bán hàng online tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, để chợ truyền thống có sức hút trở lại, bản thân những tiểu thương cũng cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, từng bước nhận diện những thế mạnh của chợ truyền thống trong thời đại mua sắm online, để thấy rằng mô hình chợ truyền thống cũng cần có một số sự thay đổi để phù hợp. Nếu làm được những điều đó, nhất định sức sống của chợ truyền thống sẽ không thể tàn lụi, mà sẽ duy trì phát triển song song cùng các kênh thương mại điện tử.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình Minh (Vietnam Business Forum)