Từ lâu làng nghề Phú Vinh đã được ưu ái gọi bằng cái tên “xứ mây” của Thủ đô Hà Nội. Sau hơn 400 năm, làng nghề vẫn luôn giữ trọn nét đẹp truyền thống lâu đời của dân tộc. Những năm gần đây sản phẩm thủ công của làng nghề Phú Vinh đã có cơ hội xuất khẩu sang Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và góp mặt hơn 30 nước khác nhau.
Mỗi làng nghề truyền thống của Hà Nội đều có những điểm đặc biệt, tạo nên dấu ấn, thương hiệu cho làng nghề đó trong suốt hàng trăm năm qua như làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm mềm mại, tinh tế; làng gốm Bát Tràng với những món đồ gốm sứ tinh xảo,... Các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh cũng có những điểm độc đáo so với những làng nghề mây tre đan khác trên cả nước.
Gìn giữ nghề truyền thống
Làng Phú Vinh xưa còn có tên là làng Cò Đậu, nằm ở vùng chiêm trũng. Người dân ở đây sống trên vùng đất mà mỗi khi mưa to nước lại dồn về gây ngập lụt, đồng ruộng tan hoang, mênh mông trong biển nước, không thể thu hoạch được hoa màu. Khi đó, trong làng có ông Nguyễn Văn Sôi đã mày mò, chặt cây tre, cây mây mang về đan thành đơm, đó và các dụng cụ đánh bắt cá để sinh sống qua ngày. Lâu dần, nhiều người dân ở các vùng lân cận đã biết và tìm đến mua dụng cụ đánh bắt cá do ông làm. Từ đó, người dân trong làng học theo ông Sôi, cũng sản xuất, chế tác các dụng cụ đánh bắt cá và những sản phẩm mây tre đan phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Sau này, ông Nguyễn Văn Sôi được tôn vinh là tổ nghề của làng nghề mây tre đan Phú Vinh.
Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay làng nghề vẫn duy trì được nghề truyền thống với nhiều nghệ nhân yêu nghề và mong muốn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan.
Sản phẩm mây tre đan có rất nhiều loại nhưng được phân thành 4 nhóm cơ bản: Hàng đĩa (nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn); Hàng rô (nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lồ nhỏ, hàng tương đối chắc chắn; Hàng tê (nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng); Hàng lô (nan dày, đan lát có cốt (khuôn hàng), hàng cứng cáp chắc chắn). Trong các nghề thủ công, nghề mây, tre hiện đang bảo tồn được truyền thống khá tốt. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo, được chăm chút bằng trái tim yêu nghề say nghề, mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều mang trên mình dấu ấn của cá nhân người nghệ nhân, dấu ấn của quê hương và cả hơi thở của thời đại. Từ cái nơm cái vó, cái mủng cái giỏ xưa kia, vẫn bằng kỹ thuật đan lát được truyền từ đời này qua đời khác nhưng nhờ sự sáng tạo của các nghệ nhân, bình hoa, lót cốc, cái khay, chiếc ghế với nhiều hoa văn đẹp mắt đã ra đời phục vụ nhu cầu của người dân. Kết quả lao động sáng tạo ấy đã giúp nhiều gia đình, nhiều thế hệ người làng trụ được với nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: Khi xưa bố của tôi là 1 trong 9 nghệ nhân đầu tiên được Nhà nước phong tặng và được gặp Bác Hồ. Những câu chuyện, những sản phẩm, các tác phẩm của ông đan ấy chính là niềm tự hào đã thôi thúc tôi phải cố gắng, học hỏi nghề từ cha ông của mình.
Những sản phẩm sinh ra ở làng nghề Phú Vinh được đan thủ công 100% và cái nguyên liệu là mây tre đan thì rất là thân thiện với môi trường. Những yếu tố đó đã góp phần để thuyết phục khách quốc tế mua sản phẩm ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh. Ông Tĩnh chia sẻ.
Hướng đến dòng sản phẩm chuyên biệt
Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao và phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan để sản phẩm ngày càng sáng tạo, hiện đại và hoàn thiện được những điểm yếu, từ đó đưa nghề truyền thống mây tre đan đến với các thị trường khó tính. Cùng với những sự khởi sắc mới đó, nghề mây tre đan đã tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động trong vùng.
Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hóa xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội Mây tre đan chia sẻ: Mặc dù sản phẩm của làng là mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng hiện nay, các hộ làm nghề đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Nhờ đó mà các sản phẩm của “xứ mây” Phú Vinh đã được thị trường quốc tế đón nhận.
Trung tâm dạy nghề do nghệ nhân Nguyễn Văn Trung thành lập đã đào tạo miễn phí cho vài nghìn lao động ở Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có rất nhiều người khuyết tật… Hàng năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, dạy nghề được tổ chức tại các tỉnh, thành trên cả nước. Với ông đó là cách để quảng bá, giới thiệu nghề đến nhiều hơn với người dân trong cả nước.
Giữ gìn và phát triển làng nghề chưa bao giờ là việc dễ dàng với các địa phương nói chung và thôn Phú Vinh nói riêng. Bởi đó là cuộc song hành của phát triển kinh tế và bảo lưu nét văn hóa, bản sắc riêng, là hành trình cần sự quyết tâm của cả chính quyền và người dân. Đáng mừng là, dù khó khăn còn nhiều, nhưng hiện nay các nghệ nhân “xứ mây” với tâm huyết và bằng nhiều cách khác nhau vẫn đang âm thầm giữ gìn nghề truyền thống, để dòng chảy văn hóa làng nghề được nối dài và trường tồn với thời gian.
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI