BẠC LIÊU

Tái cơ cấu ngành Công Thương, đổi mới mô hình tăng trưởng

15:35:47 | 12/11/2024

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giữ vững đà tăng trưởng

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp quý III năm 2024 của tỉnh tăng 6,62%; 09 tháng đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ. Quy mô sản xuất được mở rộng; dây chuyền công nghệ được cải tiến, đổi mới; năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, với hệ thống 48 nhà máy chế biến có tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống một bộ phận dân cư. Lĩnh vực may mặc đang từng bước phát triển, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động tại chỗ.

Lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển. Hiện tỉnh có 08 nhà máy điện gió đang hoạt động cả trên đất liền lẫn trên biển (tổng công suất 469,2MW); đang triển khai 02 dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW) và dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50 MW), từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch quốc gia.

Kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp được quan tâm đầu tư. Trong đó, hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Trà Kha, tỷ lệ lấp đầy trên 93,48/%; KCN Láng Trâm đã được bổ sung vào quy hoạch KCN quốc gia và đang hoàn thành thủ tục đầu tư hạ tầng; KCN Ninh Quới đã có một số doanh nghiệp tiếp cận tìm hiểu đầu tư. Đồng thời, 3 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 trên địa bàn tỉnh đang có một số doanh nghiệp tiếp cận đầu tư hạ tầng.

Về hạ tầng thương mại, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63 chợ, 7 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 23 cửa hàng tiện lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý III đạt 19.437 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng 58.937 tỷ đồng, đạt 68,69% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước 745,46 triệu USD, đạt 64,35% kế hoạch, tăng 9,13% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành

Ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu nhận định: Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, do tình hình quốc tế được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ gặp không ít thách thức.

Do vậy, ngành Công Thương tỉnh đã và đang khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực như cụm công nghiệp, năng lượng, chế biến và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, năng lượng. Đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế tỉnh.

Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao để trở thành động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành Công Thương trong thời gian tới.

Ngoài ra, ngành cũng chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới; khai thác, chế biến. Đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Tây (Vietnam Business Forum)