Thành phố Bắc Giang đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị xanh - sạch đẹp - thông minh; “cửa ngõ kép” hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và Trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, việc sáp nhập huyện Yên Dũng vào thành phố không chỉ phù hợp với điều kiện, xu thế phát triển mà còn góp phần kiến tạo không gian, động lực tăng trưởng mới, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh.
Diện mạo mới, sức sống mới
Là đô thị hạt nhân của tỉnh, thành phố Bắc Giang cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh; có hệ thống giao thông thuận tiện. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Sáp nhập toàn bộ huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang sẽ thêm tạo động lực, dư địa bứt phá phát triển cho thành phố
Đến nay, thành phố đã thực hiện đạt và vượt 17/18 chỉ tiêu theo phân kỳ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.045 tỷ đồng, tăng 16,7 % so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ước công nghiệp – xây dựng đạt 49.609 tỷ đồng, tăng 19,2% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước 1.790,8 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 65,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân cả nước 1,1 lần.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Trong đó, giáo dục - đào tạo duy trì vị trí dẫn đầu tỉnh về chất lượng, tỷ lệ kiên cố hóa trường công lập đạt 100% (cao nhất tỉnh), trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Các thiết chế văn hóa được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.
Đặc biệt, ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 1191 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang, đưa diện tích tự nhiên của thành phố tăng gấp 4 lần và dân số tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay (với quy mô diện tích 258,3km2, dân số khoảng 371.000 người).
Ông Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Việc sáp nhập sẽ tạo không gian và động lực phát triển cho thành phố trong thời gian tới. Cụ thể, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, hình thành đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Nam thành phố Bắc Giang. Từ đó, khai thác lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội
Trước mắt, từ nay đến ngày 01/01/2025 (chính thức đi vào hoạt động thành phố Bắc Giang mới), cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục duy trì ổn định bộ máy; đồng thời tập trung phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực như: Khu trung tâm đô thị, các khu đô thị mới, khu hạ tầng dịch vụ gắn với đô thị trung tâm, phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị đồng bộ,...
Xây dựng đô thị xanh, thông minh, thành phố đáng sống
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Bắc Giang lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 -2025) xác định mục tiêu: Phấn đấu xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh - thông minh.
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư phát triển đô thị. Nhiều công trình, dự án lớn được xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị như: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; Trụ sở Thành ủy – HĐND - UBND thành phố; Khu đô thị mới Bách Việt Lake Garden; Nhà thi đấu thể thao tỉnh; các chung cư, khách sạn cao tầng,…
Trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai đầu tư xây dựng và cải tạo cây xanh trên 6/10 tuyến đường và khoảng 40 công viên, khuôn viên theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó điểm nhấn là khu trung tâm, các khu đô thị và dải cây xanh mặt nước tại khu đô thị phía Nam và các phường nội thành…
Thành phố cũng tập trung xây dựng đô thị văn minh gắn với xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Địa phương đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị 5 thông minh (IOC); ban hành Kiến trúc ICT đô thị thông minh 1.0 thành phố Bắc Giang. Hoàn thành nâng cấp cổng thông tin điện tử thành phố và 16 phường, xã; triển khai áp dụng mã QR code trong sử dụng tài liệu cuộc họp,…
Không chỉ vậy, việc sáp nhập toàn bộ huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang sẽ góp phần tăng quy mô diện tích, dân số, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa, tiền đề quan trọng xây dựng thành phố Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh; lấy người dân làm trung tâm để xây dựng thành phố đáng sống.
Sau khi sáp nhập, phấn đấu hoàn thành tiêu chí đô thị loại I trước năm 2030, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung gắn với hạ tầng xã hội bảo đảm sự kết nối liên hoàn giữa khu vực đô thị hiện tại và khu mới mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Thời gian tới, thành phố Bắc Giang sẽ ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra còn có dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm tài chính, ngân hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là rà soát, kiến nghị rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tăng cường kỷ luật kỷ cương đội ngũ cán bộ công chức.
Ngày 31/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 728/QĐ-TTg công nhận đô thị Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang. Đây là sự ghi nhận và thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của thành phố Bắc Giang trong công tác phát triển đô thị những năm qua. |
Hằng năm, UBND thành phố đều có Kế hoạch chi tiết để chỉ đạo triển khai hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì công tác tiếp dân, làm tốt công tác quy hoạch; tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức trong tiếp cận đất đai, tạo môi trường pháp lý để thu hút đầu tư bền vững.
Đặc biệt, tập trung quyết liệt cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Riêng từ đầu năm đến nay thành phố đã giải phóng mặt bằng dứt điểm 09 dự án, trong đó 07 dự án đã giao đất, 02 dự án đang tiến hành các thủ tục để giao đất.
“Đối với các khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết nhanh, dứt điểm. Qua đó, góp phần kiến tạo không gian, động lực tăng trưởng mới để thành phố phát triển, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh”, ông Đặng Đình Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum