BẾN TRE

Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

09:07:37 | 31/12/2024

Bến Tre có nhiều thế mạnh phát triển các loại hình du lịch, nổi bật là du lịch sinh thái miệt vườn, làng nghề, homestay, nghỉ dưỡng,… Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc nhóm dẫn đầu các địa phương trong khu vực, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển bền vững. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.


Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó nổi bật là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch làng nghề,...

Ông có thể chia sẻ những tiềm năng, lợi thế cũng như kết quả nổi bật của ngành Du lịch Bến Tre thời gian qua?

Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi nhiều hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Tỉnh còn có hệ thống nhiều cồn nổi: Cồn Phụng, cồn Quy (Tân Thạch - Châu Thành), cồn Phú Đa (Chợ Lách), cồn Ốc (Hưng Phong), cồn Nhàn, cồn Hố (Ba Tri),… Cùng với đó là hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Phát huy những tiềm năng, lợi thế này, Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch, nổi bật là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch làng nghề, du lịch homestay, du lịch nghỉ dưỡng,...

Đến 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp lữ hành (11 doanh nghiệp quốc tế và 21 doanh nghiệp nội địa); 01 khu du lịch và 02 điểm du lịch; 89 cơ sở với 1.646 phòng, sức chứa hơn 3.000 khách; 07 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 10 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); 04 sản phẩm OCOP du lịch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.470 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 79,7% so với kế hoạch. Tổng lượng khách ước đạt 1.973.165 lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ, đạt 80,4% so với kế hoạch.

Ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch đến năm 2030 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3706/KH (ngày 01/7/2021) về thực hiện Đề án số 02. Ngành đang cụ thể hóa các Đề án, Kế hoạch trên như thế nào?

Ngành đã và đang tập trung phối hợp các sở, ngành, các địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện, cụ thể hóa Đề án, Kế hoạch và đã đạt một số kết quả nổi bật như: Về cơ chế, chính sách, đã tập trung triển khai, hướng dẫn, thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh. Ngoài ra, Sở đã và đang chủ trì, phối hợp tham mưu HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Dự kiến sẽ trình thông qua HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm 2025. 

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư và từng bước được hoàn thiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan, ăn uống, mua sắm,… với quy mô lớn và hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách.

Sản phẩm, dịch vụ du lịch từng bước được khai thác có hiệu quả dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và tăng trải nghiệm cho du khách. Chất lượng các sản phẩm du lịch và dịch vụ cũng được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp, mang đậm sắc thái địa phương.

Tiếp tục tăng cường, phát huy tốt mối liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố; các cơ sở đào tạo, công ty lữ hành trong Cụm liên kết phía Đông ĐBCSL; TP.Hồ Chí Minh, 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và một số tỉnh khu vực phía Bắc; thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Tập trung kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch MICE,... Toàn tỉnh hiện có 23 dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; đồng thời ban hành danh mục 22 dự án du lịch ưu tiên thu hút mời gọi đầu tư thời gian tới.

Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm triển khai theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, Bến Tre đã triển khai “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh”, thực hiện chuyển đổi số 360 tại các di tích, điểm đến tham quan du lịch, thuyết minh tự động,...

Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, hướng dẫn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, chuyên nghiệp.


Hoàng hôn trên biển Ba Tri

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo sự phát triển bền vững, những giải pháp trọng tâm ngành thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Du lịch 2017; Chương trình hành động số 22-CTr/TU; các chương trình, đề án, kế hoạch,… để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Tập trung huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả hợp phần số 16, phương án phát triển hệ thống du lịch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Bến Tre. Tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác phát triển để xây dựng sản phẩm, kết nối tuyến du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng phục vụ ngành Du lịch, kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)