Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là địa bàn cư trú của 17 dân tộc anh em. Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú của văn hóa nơi đây.
Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ. Nơi đây nổi tiếng với những dãy núi tai mèo trùng điệp tạo nên khung cảnh hùng vỹ. Ẩn sâu trong những dãu núi đó là hệ thống hang động nguyên sơ, chưa được nhiều du khách biết đến và đặt chân tới:
Hang Mây thuộc xã Tả Lủng - huyện Đồng Văn, nằm cạnh tuyến đường nối huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Cửa hang Mây có hình dạng tựa như búp sen khổng lồ. Những tia nắng mặt trời chiếu qua cửa hang gặp hơi nước bốc lên tạo thành làn sương mỏng huyền ảo. Chính vì thế người bản địa đã gọi tên hang động này là hang Mây.
Hang Quả Na thuộc xã Tùng Vài - huyện Quản Bạ là một hang khô. Vì mới được phát hiện nên hang này còn giữ được vẻ nguyên sơ, ít người biết đến. Trong lòng hang là những cánh đồng nhũ thạch có dạng như ruộng bậc thang và vô vàn nhũ đá, măng đá. Hang có chiều dài hơn 5km, từ nền đến trần hang cao khoảng 60m, chỗ rộng nhất của hang như một khán phong khoảng 300m.
Photo.Chu Việt Bắc
Điểm di sản địa chất Thiết giao long phá thạch
Nằm phía bên cạnh đường tỉnh lộ 176 từ Mèo Vạc về thành phố Hà Giang. Điểm di sản Thiết giao long phá thạch thuộc địa phận xã Sủng Trà, Mèo Vạc. Nơi đây có một địa danh được các nhà khoa học đặt cho cái tên Thiết giao long phá thạch (hay “Rồng Sủng Máng”) do hình dáng và đặc tính của điểm di sản này.
Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu được hình thành từ đá vôi. Nhưng “Rồng Sủng Máng” lại là một trong những di sản địa chất đặc biệt.
Trên sườn núi rộng, thoải, đã được cải tạo thành một nương đá màu mỡ, đột nhiên, uốn lượn như một con rông, nổi cao hơn vùng xung quanh 5 - 7m, rộng 3 - 5m, một dải dài cả trăm mét. Và điều thú vị lại ở chỗ đó không phải là đá vôi.
Từ cảnh quan độc đáo của điểm di sản Thiết giao long phá thạch, Hoạ sĩ Cristina González Martin đã cho ra đời tác phẩm sơn dầu phác hoạ lại điểm di sản dưới dạng con cá sấu khổng lồ nằm bên sườn núi
Hiện có hai ý kiến về thành phần, nguồn gốc, cơ chế thành tạo “rồng Sủng Máng”. Một cho rằng đó là một thể đá mạch thành phần bazơ - gọi là diabase - một loại đá núi lửa giàu các khoáng vật silicat nhôm và sắt, xuyên cắt lên trong đá vôi. Thứ hai, có vẻ có cơ sở hơn, vì có kèm theo phân tích mẫu. Theo đó, đá chủ yếu gồm các kết hạch khoáng vật hydroxit nhôm và các khoáng vật hydroxit sắt, oxyt sắt ở dạng keo, vì thế gọi là quặng bauxite sắt nguồn gốc trầm tích, thường gặp ở các vùng đá vôi Đông Bắc Việt Nam.
Chúng ta đã biết rằng bauxite là quặng để sản xuất nhôm, và Việt Nam có trữ lượng bauxite lớn hàng đầu thế giời, nhưng đó là bauxite hình thành do phong hoá đá núi lửa basalt vốn rất nhiều ở Tây Nguyên. Còn quặng bauxute sắt kể trên, trữ lượng ít hơn nhiều, lại có nguồn gốc hình thành khác. Theo đó các tập đá vôi rất dày, xen lẫn những tập sét, bị hoà tan, rửa lũa hoặc cũng có thể những lớp đá núi lửa bị phong hoá, rửa trôi hết, để lại những tích tụ tàn dư giàu nhôm và sắt. Những tích tụ này sau đó được hoà tan, vận chuyển và tập trung trong những khe rãnh, hang hốc karst, tái kết tủa, hình thành bauxite sắt nguồn gốc trầm tích.
Có một điểm chung trong cả hai ý kiến trên, đó là các khoáng vật giàu nhôm và sắt kể trên đều rất bền vững. Vì thế mới sót lại những thể đá kỳ dị nổi cao trên địa hình, khi đá vôi chứa chúng bị rửa trôi, hoà tan. Trong lòng di sản địa chất trên Cao nguyên Đồng Văn không chỉ là những khám phá du lịch địa chất, nơi đây còn chứa ẩn nhiều những tư liệu nghiên cứu khoa học về địa chất rộng lớn.
Ban QLCVĐC