Quận Bình Tân được tách ra từ ba xã và một thị trấn của huyện Bình Chánh cũ. Hòa nhịp vào sự phát triển sôi động của thành phố, những năm qua quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận cũng diễn ra rất nhanh, theo đó công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung đầu tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng, giao thông trên địa bàn ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mạng lưới giao thông trên địa bàn quận đã được định hình rõ nét với nhiều trục lộ chính nối liền các quận huyện và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua 5 năm (2004-2009) thực hiện Chương trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, Bình Tân đã phát triển thành một đô thị văn minh hiện đại với những cung đường đẹp, an toàn và thông suốt, nối liền với các quận huyện và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu giao thương đi lại của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Có được thành công như vậy là do trước khi Chương trình được tiến hành, đã có sự bàn bạc công khai minh bạch từ chính quyền đến người dân để cuối cùng đi đến thống nhất về quan điểm và đồng ý trong phương thức thực hiện. Từ đó, đã có rất nhiều người dân tự nguyện hiến đất hoặc tự tháo dỡ vật kiến trúc để các công trình giao thông được thực hiện theo đúng tiến độ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các trục giao thông chính đã được tiến hành chỉnh trang, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ góp phần tạo mỹ quan đô thị mà còn phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế. Quận cũng đã cho thi công và đưa vào sử dụng đường Mã Lò, đường Lê Văn Quới, đường Lê Trọng Tấn…, riêng đường Hương Lộ 2, đường Tên Lửa đã được triển khai thi công vào tháng 11/2009 và dự kiến hoàn thành trong năm 2010 này. Bên cạnh đó, quận tiếp tục duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường trọng điểm.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện chương trình này, vẫn còn những khó khăn như nguồn ngân sách chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, hiện tại quận còn khoảng 293.031 mét đường, hẻm có kết cấu đá, sỏi, đất (chiếm tỷ lệ 58,22 % toàn tuyến) thường xuyên xuống cấp, nhất là vào mùa mưa. Đáng chú ý, trong số đó có một số tuyến chính được quy hoạch làm trục xương sống nhưng vẫn chưa kịp thời triển khai đầu tư như Phan Anh, Bình Long Hương Lộ 3, An Dương Vương, Nguyễn Cửu Phú, Nguyễn Thị Tú, Trần Đại Nghĩa… nên gây khó khăn cho việc thoát nước, cấp nước.
Trong năm 2010 này, quận Bình Tân quyết tâm tập trung khắc phục những hạn chế nói thêm. Ngoài ra trong định hướng phát triển đến năm 2015, Thành phố sẽ đầu tư đường Vành Đai 2, đường sắt đô thị Tp.Hồ Chí Minh, tuyến số 3A (Bến Thành- Tân Kiên), tuyến xe điện mặt đất số 1, tuyến đường sắt Thống Nhất Hà Nội - Tp.Hồ Chí Minh (đoạn Hòa Hưng- Tân Kiên), tuyến đường sắt Tp.Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ (đoạn An Bình - Tân Kiên). Với những con đường An Dương Vương, Phan Anh, Bình Long, Hương Lộ 3, Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Thị Tú, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Cửu Phú…, quận Bình Tân kiến nghị Thành phố đầu tư nâng cấp mở rộng. Ngoài ra quận cũng sẽ đầu tư xây mới đường xuyên tâm qua quận dọc theo đường dây điện 110 KV nối đường kênh 19/5 P. Bình Hưng Hòa với đường Kinh Dương Vương phường An Lạc và một số tuyến đường quan trọng khác.
Với chủ trương đúng đắn, được đông đảo nhân dân ủng hộ, chương trình nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn quận Bình Tân đang góp phần làm cho hoạt động giao thương thêm sôi động và bộ mặt đô thị quận ngày càng khang trang, sạch đẹp.