ĐIỆN BIÊN

Thành phố Điện Biên Phủ: Đô thị chuyển mình

13:40:58 | 3/10/2011

Đã 57 năm trôi qua kể từ sau ngày “Chiến thắng Điện Biên lịch sử”, nơi đây vẫn còn lưu nhiều dấu tích của một thời lịch sử hào hùng. Đến thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, các giá trị lich sử văn hoá đang hoà quyện vào công cuộc phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị. Vóc dáng đô thị hiện đại, sôi động đang hiện hữu càng tạo thêm sức hấp dẫn cho thành phố thủ phủ của miền Tây Bắc.

Thành phố Điện Biên Phủ được thành lập từ năm 1992, trên nền thị trấn của huyện Điện Biên cũ, người Điện Biên bắt tay dựng xây thành phố. Với tinh thần và hào khí chiến thắng Điện Biên năm xưa, chỉ trong vòng 10 năm đội ngũ cán bộ và đồng bào các dân tộc địa phương đã "đồng tâm hiệp lực" nhanh chóng biến cải vùng đất này trở thành đô thị loại II vào năm 2004, đúng vào dịp kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng lịch sử Điện Biên.

Hiện thành phố có 7 phường, 2 xã với 164 tổ dân phố, bản với tổng diện tích trên 6.427ha. Với lợi thế của địa bàn có nhiều di tích lịch sử và danh thắng, cùng với nét đặc sắc của văn hoá các dân tộc, thành phố Điện Biên Phủ có kết cấu khá hiện đại mang dáng dấp đặc thù của kiến trúc miền núi Tây Bắc. Một trong những thành tựu đáng tự hào đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân hàng năm đạt 17%. Cơ cấu kinh tế của thành phố cũng chuyển dịch tích cực. Năm 2010, tỷ trọng thương mại-dịch vụ-du lịch chiếm trên 58%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng trên 39%, nông-lâm nghiệp chỉ còn 3%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,8%. Cơ sở hạ tầng thuận tiện, thành phố ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trong định hướng quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang phát triển mở rộng về phía đông, nhằm hình thành chuỗi đô thị mới hiện đại, biến vùng đất lịch sử này thành trung tâm kinh tế tổng hợp có tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển cao hơn nữa. Trong đó ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, kinh tế biên mậu, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Mặt khác, đây còn là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử cách mạng, vùng sinh thái thiên nhiên và văn hóa tâm linh bền vững của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Đức Đuyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết, theo quy hoạch phát triển đô thị, phấn đấu đưa thành phố Điện Biên Phủ phát triển thành trung tâm vùng Tây Bắc, trở thành trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia. Để thực hiện quy hoạch, toàn bộ trung tâm hành chính hiện nay của thành phố đặt tại phường Him Lam sẽ dời chuyển vào khu vực Noong Bua để dành chỗ xây dựng khu thương mại mới và các điểm dịch vụ du lịch. Lấy điểm nhấn cho không gian đô thị Điện Biên Phủ là sự kết hợp giữa một đô thị hiện đại kết hợp với các giá trị văn hoá, lịch sử tạo nên nét đặc trưng của một đô thị du lịch lịch sử-văn hóa-sinh thái đặc sắc trên miền cực Tây của tổ quốc.

Bình Châu