Ngày 17/10/2011, tại thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung Bộ được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như nhiều tổ chức, hiệp hội, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Hội nghị sẽ thảo luận nhiều chủ đề về phát triển hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… Bên cạnh hoạt động chính, còn có nhiều sự kiện bên lề như: triển lãm giới thiệu tiềm năng các tỉnh Bắc Trung bộ; tham quan, khảo sát các khu kinh tế trong vùng,... Đây là cơ hội cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Khu vực Bắc Trung bộ (bao gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với diện tích hơn 50 nghìn km2, dân số khoảng 10 triệu người,có những đặc thù chung về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, khu vực Bắc Trung bộ có bước tăng trưởng khá cao, thu hút được các nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư, năng lực cạnh tranh của các tỉnh trong vùng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Giàu tiềm năng
Vùng Bắc Trung bộ nằm kề bên vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, bộ; nhiều tuyến đường bộ hướng Đông Tây (7,8,9,29) nối với nước bạn Lào với Biển Đông. Nơi đây cũng hệ thống sân bay (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài) cảng lớn biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Vũng Ánh, Sơn Dương, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Thuận An, Chân Mây...) phân bố đều và đồng bộ. Bắc Trung Bộ còn có rất nhiều cửa khẩu thông thương với Lào như: Nậm Cắn (Nghệ An) Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)… Những lợi thế này không hề nhỏ và trong những năm gần đây đang được Trung ương cùng các địa phương quan tâm đầu tư mạnh mẽ nhằm khai thác ngày càng có hiệu quả hơn.
Vùng Bắc Trung Bộ có nhiều khoáng sản quý, đặc biệt là đá vôi nên có điều kiện phát triển ngành khai thác khoáng và sản xuất vật liệu xây dưng. Bên cạnh đó, Bắc Trung bộ còn có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp khác như chế biến gỗ, cơ khí, dệt may, chế biến thực phẩm,… Đặc biệt, đây cũng là trung tâm du lịch quan trọng của đất nước với nhiều địa danh như: động Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Thành nhà Hồ,… tạo điều kiện cho viêc giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á và thế giới.
Hiện nay, Bắc Trung Bộ có tới 5 khu kinh tế ven biển là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây (Quảng Trị) và có 3 khu kinh tế cửa khẩu: Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh). Đây là lợi thế khi các nhà đầu tư đầu tư vào Bắc Trung Bộ. Bởi vì, các khu kinh tế này được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đặc biệt.
Phát biểu trong buổi họp báo trước khi diễn ra Hội nghị thu hút đầu tư vào Bắc Trung bộ, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An: Chúng tôi mong muốn thu hút được nhiều dự án và chắc chắn nhà đầu tư vào Bắc Trung bộ sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện cùng môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ là điểm hấp dẫn trong những năm tới.
Cơ hội rộng mở
Tính đến ngày 26-9-2011, 6 tỉnh Bắc Trung bộ thu hút được 243 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 19,9 tỉ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Tính bình quân quy mô các dự án đầu tư nước ngoài có số vốn khá lớn song mới tập trung ở một số lĩnh vực như: khai khoáng, sản xuất thép, sản xuất xi măng,... So với tỉnh Bình Dương (đứng thứ 5 toàn quốc về thu hút FDI), tổng nguồn vốn của cả 6 tỉnh Bắc Trung bộ mới chỉ gấp 1,4 lần (19,9 tỷ USD/14,5 tỷ USD) và số dự án thì chỉ bằng khoảng 15%. Như vậy, thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Bắc Trung bộ còn có khoảng cách rất xa với nhiều vùng miền trong cả nước.
Hơn thế, hiện thu hút đầu tư tại một số địa phương và vùng trở nên “bão hòa” do quỹ đất dần hạn hẹp (đã thu hút được nhiều dự án và phải dành cho quỹ đất đảm bảo an ninh lương thực), nguồn nhân lực khan hiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường,… Nhiều nhà đầu tư vào khu vực phía Nam và phía Bắc đã cảm thấy cần tìm đến địa bàn mới. Địa bàn khu vực Bắc Trung Bộ là khu vực đầy tiềm năng nhưng đầu tư nước ngoài chưa nhiều. Đó là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn tìm tới các địa bàn mới phù hợp hơn, khắc phục được những, khó khăn của những địa bàn đã đầu tư trước đây như sự "chật chội" hay thiếu nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ đều có những lợi thế riêng. Hà Tĩnh đang trở thành vùng công nghiệp thép. Thanh Hóa lại định hình ngành công nghiệp lọc hóa dầu (Nghi Sơn) và sản xuất xi măng. Nghệ An có sân bay, bến cảng, hệ thống trường đại học - cao đẳng… đang phát triển theo hướng là trung tâm phát triển công nghiệp - dịch vụ và giáo dục cho cả vùng Bắc Trung Bộ. Còn Thừa Thiên Huế, không chỉ có Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mà còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đồng thời nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối với Lào, Thái Lan và Myanmar. Sự đa dạng trên nếu được kết nối phù hợp sẽ khiến các tỉnh Bắc Trung bộ có thêm nhiều đối tác và sự lựa chọn các dự án phù hợp với từng địa phương hoặc cả vùng.
Ngoài ra, sự suy giảm kinh tế thế giới mang tính chu kỳ trong những năm gần đây sẽ sớm được phục hồi và sẽ có những tác động nhất định tới các kế hoạch đầu tư - kinh doanh của các nhà đầu tư. Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư nhìn nhận, tìm kiếm các vùng đất mới, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn trong đầu tư. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung bộ trong thời điểm hiện nay được coi là sự “đón đầu” phù hợp, cung cấp và tạo cầu nối cho các nhà đầu tư vào địa bàn trong những năm tới.
Tiềm năng, lợi thế có sẵn cùng với cơ hội dần mở ra đối với các tỉnh Bắc Trung bộ. Song để thu hut hút được nhiều dự án, các tỉnh Bắc Trung bộ cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể hơn, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì các địa phương trong vùng phải tháo được 3 nút thắt chính là nguồn nhân lực, thủ tục hành chính và kết nối hạ tầng. Đây cũng sẽ là những nội dung chính được đưa ra bàn thảo vào ngày 17/10 tới tại thành phố Vinh.
Ngô Khuyến
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI