Để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập sâu rộng, tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Những biện pháp này đã bắt đầu phát huy hiệu quả, theo đó chất lượng giáo dục trên địa bàn có sự cải thiện đáng kể.
Hướng đi mới
Là địa phương còn nghèo, nguồn lực phát triển – trong đó có nguồn lực phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn nên Đồng Tháp phải có cách làm riêng của mình. Theo đó để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: bố trí đủ và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ cho các ngành học, cấp học; thực hiện nghiêm túc việc rà soát, sàng lọc, bố trí lại để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao năng lực một cách thực chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Song song đó, ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học một cách triệt để từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Việc đổi mới phương pháp dạy học hướng tới mục tiêu “Giáo viên phải mang đến cho học sinh những kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần chứ không phải cung cấp cho các em những gì giáo viên có”. Ngành cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ vào ngành giáo dục từ quản lý đến giảng dạy. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các trường học và cơ sở giáo dục để tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay công tác xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học của thầy - trò và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Tỷ lệ tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp ở các cấp học luôn ổn định và năm sau cao hơn năm trước. Các chuẩn về công tác phổ cập giáo dục luôn được củng cố và duy trì. Số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng làm thay đổi diện mạo của giáo dục tỉnh nhà.
Hình thành nguồn nhân lực chất lượng
Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết trên cơ sở kết quả phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được trong những năm qua, quán triệt các quan điểm và nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH, giai đoạn 2011-2015 ngành giáo dục Đồng Tháp chủ trương tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục mạnh hơn, đạt hiệu quả cao hơn theo hướng “Chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa”; đảm bảo tạo được nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa xã hội tỉnh nhà.
Cụ thể, ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Xây dựng trường mầm non tại các huyện, thị, 100% xã, phường đều có trường mầm non, nâng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn từ 50% đến 100%, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giáo dục và chăm sóc trẻ. Đối với giáo dục phổ thông, ngành sẽ nâng chất lượng giáo dục tỷ lệ học sinh tiểu học xếp học lực giỏi 42%, khá 34,8%, trung bình 22%, yếu 1,2%. Đồng thời tiếp tục củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS trên toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.
Song song với những chỉ tiêu đặt ra về học lực, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề trọng điểm. Các kỳ thi sẽ được tiến hành nghiêm túc, đổi mới quản lý, đổi mới nội dung thi cử, tiếp tục tuyển sinh ở lớp đầu cấp. Học sinh sẽ được đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, chấm dứt tình trạng dạy học theo kiểu đọc - chép, thực hiện phương châm “Dạy thực chất - học thực chất”. Ngành cũng sẽ thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực để hỗ trợ và giúp đỡ học sinh, đầu tư vào mạng lưới trường chuyên, tiến hành xây dựng mới Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Tp.Cao Lãnh), Nguyễn Đình Chiểu (TX.Sa Đéc), mở lớp chuyên tại trường THPT Hồng Ngự 1. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển một cách toàn diện, đồng bộ giữa các địa bàn trong tỉnh; chú trọng phát triển mạng lưới trường mầm non, các cơ sở đào tạo và dạy nghề, các trường trọng điểm, trường chuyên, trường đạt chuẩn quốc gia, lớp học 2 buổi/ngày đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đẩy mạnh sự phát triển đa dạng hóa các loại hình trường lớp, đặc biệt là giáo dục mầm non và trung học phổ thông.
Thành Long
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI