ĐÀ NẴNG

Đáp ứng tốt nhu cầu vốn và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội

11:24:14 | 1/10/2012

Trong nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Từ những cố gắng trong việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cho đến việc cung ứng, nâng cấp chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt tín dụng ngân hàng đã và đang đáp ứng kịp thời các nhu cầu về vốn, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo ông Võ Minh – Giám đốc NHNN – chi nhánh Đà Nẵng thì trong suốt 15 năm qua, cùng với đà phát triển cuả thành phố, ngành ngân hàng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về số lượng lẫn chất lượng. Các ngân hàng đã không ngừng nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và mở rộng mạng lưới hoạt động. Điểm nổi bật trong hoạt động của ngành ngân hàng thành phố trong thời gian qua không chỉ là phát triển các dịch vụ truyền thống mà còn triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ cao như thẻ đa năng, dịch vụ ngân hàng điện tử, hệ thống giao dịch tự động…..Tín dụng ngân hàng đã đóng góp tích cực cho việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục. Đến 30/06/2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng hơn 48.000 tỷ đồng, đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 1997 – 6/2012: 23,45%/năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 26.360 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung dài hạn 21.771 tỷ đồng.

Đồng thời, tín dụng ngân hàng góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu và phát triển các ngành kinh tế chủ chốt. Theo đó, tỷ lệ cho vay của các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao trên tổng dư nợ. Đến 30/6/2012 dư nợ cho vay các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 21.37%, Thương nghiệp 19,45%, Xây dựng: 12,8% trong tổng dư nợ cho vay; Đặc biệt trong những năm gần đây, khi thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát với các biện pháp cắt giảm tổng cầu, trong đó có việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN, thì việc dịch chuyển cơ cấu tín dụng cho các ngành, các lĩnh vực ưu tiên được xem như là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đến cuối 2011 tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng từ 73% (cuối 2010) lên đến 78 % trên tổng dư nợ cho vay.

Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục chuyển dịch đầu tư sang khu vực kinh tế dân doanh theo định hướng chung của ngành. Tỷ trọng cho vay khu vực kinh tế dân doanh tăng dần trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đến cuối tháng 6/2012, dư nợ cho vay đối với khu vực này chiếm 87% trên tổng dư nợ.

Cũng theo ông Minh thì hàng năm hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã góp phần thực hiện các chính sách tín dụng của nhà nước và hỗ trợ rất lớn cho thành phố trong việc tài trợ vốn cho các chương trình tạo nhà ở cho người có thu nhập thấp, tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua nguồn vốn tín dụng cho các chương trình và dự án phát triển sản xuất kinh doanh, hàng năm hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã góp phần thực hiện các chính sách tín dụng của Nhà nước và hỗ trợ rất lớn cho Thành phố trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Đến cuối tháng 6/2012, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 439 tỷ đồng, dư nợ các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 807 tỷ đồng….

Bên cạnh những kết quả đã đạt được hoạt động tín dụng trên địa bàn vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong một số năm tương đối cao; cơ cấu tín dụng chưa thật sự phù hợp với cơ cấu nguồn vốn; tín dụng ngân hàng và thị trường bất động sản quá phụ thuộc lẫn nhau do hầu hết tài sản đảm bảo nợ vay là bất động sản; Chất lượng tín dụng chưa thật sự tốt ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

Ông Minh cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay nói chung và trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng, khi các kênh huy động vốn khác chưa phát triển, thì hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện vai trò cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế trên địa bàn. Điều này đã và đang được Ngành ngân hàng Đà Nẵng thực hiện tốt trong hơn 15 năm qua, và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Thái Hà

Các tin khác