Hình ảnh Bạc Liêu không chỉ gắn liền với con người phóng khoáng, mà còn được đánh giá là vùng đất có một vị trí quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ hướng đến khai thác tối đa lợi thế, tạo đột phá mới, thu hút đầu tư có chọn lọc, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh của vùng.
Điểm nhấn về công nghiệp và du lịch
Từ thực tiễn địa phương, để Bạc Liêu “bay xa” hơn trong hành trình tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, vững tin cạnh tranh cùng các địa phương trong vùng cũng như cả nước, đòi hỏi tỉnh nhà phải xác định những “việc phải bàn, phải làm”. Trong đó, phải kể đến ngành du lịch được định hướng là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi vậy mà nhiều năm qua, các cấp sở, ban ngành đã không ngừng cùng nhau tạo nên “cú huých”, không chỉ tận dụng triệt để những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, tỉnh nhà cũng luôn chú trọng đầu tư chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá… Đặc biệt là tích cực liên kết với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để cùng tạo ra những nét riêng trong ngành. Phải kể đến các địa điểm mới được đầu tư xây dựng và khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao như Khu du lịch phường Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương… Bức tranh du lịch Bạc Liêu giờ đã trở thành “điểm đến, điểm dừng” hấp dẫn, mới mẻ của bao du khách thập phương.
Với phương châm “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”, tỉnh nhà cũng xác định sẽ cùng người dân xây dựng nên nền “công nghiệp không khói” đặc sắc, bằng văn hóa du lịch mang đậm nét như cụm nhà Công tử Bạc Liêu, đờn ca tài tử (với 2 kỷ lục quốc gia là Nhà hát Cao Văn Lầu (nhà hát Ba nón lá), cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam); cùng các điểm vui chơi giải trí gắn liền với khu du lịch sinh thái, khu biển nhân tạo, khu điện gió. Ở lĩnh vực du lịch tâm linh, du khách, phật tử, giáo dân gần xa sẽ hành hương về khu Quán âm Phật đài hay nhà thờ Tắc Sậy…
Ngoài tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Bạc Liêu trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước với các ngành nghề công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển chung của nước nhà. Phải kể đến là ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, từ nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cao, đã dần đáp ứng được yêu cầu chế biến của các cơ sở sản xuất hiện đại, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kéo theo đó ngành công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng luôn được đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (như bánh kẹo, mì, hủ tiếu, bún, thức uống, các loại nước chấm...); khuyến khích đầu tư các ngành hàng đang có xu thế phát triển (như đồ nhựa gia dụng, bao bì, đồ gỗ trang trí nội thất...). Đặc biệt, ngành công nghiệp cơ khí và điện tử; công nghiệp xây dựng cũng đã có những thành công đáng kỳ vọng cho sự phát triển chung của địa phương. Bạc Liêu luôn cố gắng ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong KCN để sớm mời gọi các nhà đầu tư. Hiện địa phương đã và đang thực hiện Quy hoạch phát triển các KCN Trà Kha, bổ sung thêm KCN Láng Trâm và Tổ hợp KCN Ninh Quới…
Hướng đi
Những lợi thế đáng kỳ vọng trên đã mở ra bức tranh đầy màu sắc, năng động cho Bạc Liêu. Song, tất cả sẽ chỉ “mãi ngủ yên” nếu tỉnh nhà không có những chính sách thiết thực. Nghĩa là không chỉ riêng ngành du lịch mà ngành công nghiệp cũng cần chú trọng vào các yếu tố về vốn – cơ sở hạ tầng – nguồn nhân lực. Chung quy, yếu tố nguồn nhân lực cần được khẩn trương quy hoạch đào tạo và đào tạo lại, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trên các lĩnh vực. Luôn có những chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ kỹ thuật giỏi có kinh nghiệm thực tiễn phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động qua đào tạo tìm được việc làm đúng ngành nghề và có thu nhập phù hợp.
Đồng thời, để có bước phát triển bền vững, Bạc Liêu cũng cần phải huy động, phân bổ và sử dụng vốn một cách tối ưu. Trong đó, thu hút đầu tư là thiết yếu song phải có sách lược rõ ràng, chính là khuyến khích các doanh nghiệp có tâm cùng bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN nói riêng và phát triển các KCN nói chung cần được Ban Quản lý các KCN Bạc Liêu quan tâm, nêu cao tinh thần "Việc gì khó dành cho cơ quan chính quyền tỉnh, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp".
Bạc Liêu xác định con tôm là mũi nhọn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư đã xin đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu như trước đây, chỉ có con tôm được đưa vào nhà máy chế biến xuất khẩu, thì hai năm trở lại đây con cá, con mực và nhiều loại thủy sản khác đã được đưa vào chế biến để xuất khẩu sang nhiều nước. Đặt kỳ vọng Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước cả về giống, thức ăn, chế phẩm và đặc biệt là chế biến sâu. Chỉ cần giữ vững những nền tảng về chất lượng tôm, nguồn nước ổn định tạo nên chuỗi giá trị tôm khép kín, sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Riêng về ngành du lịch, phấn đấu năm 2019 doanh thu tỉnh đạt 2.200 tỷ đồng, giữ vai trò Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch các tỉnh phía Tây vùng ĐBSCL (gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ). Theo đó, đến năm 2020, địa phương sẽ xây dựng hoàn thiện mô hình “Thành phố du lịch”; xây dựng thêm 3 sản phẩm du lịch đặc trưng; đến năm 2030 du lịch Bạc Liêu thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH của thành phố. Theo đà tăng trưởng này, Bạc Liêu cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển du lịch và phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Nâng cao nhận thức người dân, du khách và doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị lâu đời. Có thể khẳng định thêm rằng muốn du lịch Bạc Liêu phát triển cần sự hợp nhất từ phía Nhà nước đến doanh nghiệp, và nhân dân. Nghĩa là Nhà nước phải tạo điều kiện; doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; nhân dân phải luôn cố gắng minh chứng “Đất Bạc Liêu hữu tình, Người Bạc Liêu mến khách”….
Mỗi vùng đều có những điểm sáng riêng và Bạc Liêu cũng vậy. Muốn phát triển nhanh và bền vững cần rất nhiều yếu tố. Tất nhiên để “chinh phục” được nhiều nhà đầu tư về với Bạc Liêu, tỉnh cần tạo nên môi trường hoạt động chuyên nghiệp, cùng với đó là đưa đời sống người dân đi vào ổn định về thu nhập, giàu nét đẹp văn hóa. Chắc chắn vẻ đẹp, cốt cách của người Bạc Liêu sẽ là “sản phẩm” đặc trưng về tỉnh nhà, không bị trùng lắp với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Duy Anh