Được xếp vào Top giữa của các tỉnh khu vực ĐBSCL về sự phát triển kinh tế-xã hội ở mức khá, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều chính sách thiết thực để ngành công nghiệp (CN) tăng trưởng theo hướng xanh – bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, CN sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Dấu ấn nổi bật
Trong năm 2018, ngành công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã gặt hái không ít thành công. Chỉ số phát triển sản xuất CN tăng 12,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 13,84%; ngành CN chế biến, chế tạo tăng 12,32%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,476%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tiếp tục duy trì phát triển và có bước tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 641,79 triệu USD, bằng 100% kế hoạch, tăng 14,34% so với cùng kỳ; thủy sản xuất khẩu đạt hơn 56,6 nghìn tấn, bằng 102,76 kế hoạch, tăng 13,44% so với cùng kỳ. Hệ thống thương mại – dịch vụ cũng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cho đến nay đã có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng mua sắm được đầu tư hiện đại, chuyên nghiệp. “ Bạc Liêu không ngừng chú trọng vào công tác xúc tiến thương mại. Đó là tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm nhằm mở rộng thị trường xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư” - ôngTrần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Cũng trong năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường nội địa ước đạt hơn 54,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,07% kế hoạch, tăng 13,19% so với cùng kỳ.
Khai mở lợi thế
Trong năm 2019, ngành phấn đấu tăng 12,89% so với năm 2018; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 690 triệu USD, tăng 13% so với năm 2018; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ là 66 nghìn tỷ đồng, tăng 21,79% so với năm 2018. Tiếp tục bám sát những nghị quyết, chỉ thị của Nhà nước, các cơ quan ban ngành hỗ trợ các nhà đầu tư trong sản xuất.
Bạc Liêu là địa phương có tiềm năng và lợi thế về phát triển ngành chế biến nông thủy sản, đặc biệt là chế biến tôm xuất khẩu. Nhận thức được điều này, thời gian qua, ngoài việc tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút đầu tư, thì tỉnh cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong mở rộng thêm công suất chế biến để có đầy đủ lượng hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu. Đề ra chính sách và đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, EU, Hoa kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,... và tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới.
Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh cũng đã tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án như điện gió, điện mặt trời. Theo đó, quy hoạch phát triển điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thì mục tiêu đến năm 2020 tỉnh sẽ phát triển các dự án điện gió có công suất lắp đặt tích lũy đạt 401,2 MW; với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 882 triệu KWh. Về điện mặt trời đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xin nghiên cứu, tiếp cận khảo sát và đầu tư. Và việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ gắn với phát triển du lịch sẽ là khâu đột phá quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh đã và sẽ có nhiều chương trình, đề án khuyến công phát huy tốt nhất lợi thế và khai thác tiềm năng, các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguyên liệu, thị trường và lao động để thúc đẩy phát triển ngành. Đồng thời lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm huy động thêm nguồn vốn cho thực hiện các chương trình, đề án.
Thiên Hoàng