Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động điều hành các cấp chính quyền. Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh những nội dung này. Ngô Khuyến thực hiện.
Năm 2019 là năm thứ 10 thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 20/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Ông có thể chia sẻ về một số kết quả phát triển kinh tế-xã hội và đô thị nổi bật của tỉnh nhà trong 10 năm qua?
Giai đoạn 2009-2019, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế có chuyển biến rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hướng tích cực.
- Về phát triển kinh tế - xã hội:
Sau 10 năm (2009-2019) triển khai Kết luận 48-KL/TW, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được kết quả đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,2%/năm; quy mô GRDP tăng hơn 2 lần, từ 17.500 tỷ đồng lên 35.400 tỷ đồng (giá so sánh 2010); GRDP/người tăng 2,4 lần, năm 2019 đạt 1.900 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp: Năm 2009 tương ứng là 45,9% - 37,6% - 16,5%, đến năm 2018 là 49,35% - 30,86% - 11,28% - thuế sản phẩm (SP) trừ trợ cấp SP đạt 8,5%. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt hơn 7.788 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2009, tốc độ bình quân tăng 12%/năm. Năng suất lao động bình quân năm 2018 đạt 77,6 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), tăng gấp 2,6 lần so với năm 2009.
Ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất văn hóa. Từng bước khẳng định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hơn 4,3 triệu lượt khách du lịch (năm 2018), tăng bình quân 11,6%/năm, doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng bình quân 22%/năm; tổng lượt khách đạt 4,33 triệu, tăng 11,6%/năm và dự kiến đến năm 2020 đạt trên 5 triệu du khách.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong 10 năm qua tăng bình quân 13,8%/năm (năm 2018 đạt 30.100 tỷ đồng (giá 2010). Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo từ 62,4% lên 75,4% (trong đó ngành dệt may chiếm 47%, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 17%). Thừa Thiên Huế phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị xuất khẩu.
Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, bình quân 4,65%/năm; giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao theo hướng phục vụ đô thị và du lịch.
- Về phát triển đô thị:
Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng (quy hoạch phân khu) so với diện tích đất xây dựng đạt 58,12%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tại thành phố Huế đạt 95,26%, thị xã Hương Trà đạt 18,24%, thị xã Hương Thủy đạt 17,83%. Tỷ lệ các xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới đạt 92/92 xã (tỷ lệ 100%)
Thừa Thiên Huế đã hình thành cụm đô thị động lực Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An (gồm 01 đô thị loại 1 -thành phố Huế, 3 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn thuận An mở rộng) và 01 đô thị mới loại V là thị trấn Phú Đa (còn lại chưa thực hiện đô thị loại III Chân Mây - Lăng Cô và 07 đô thị loại V gồm Bình Điền, Phong Thu, Thủy Tân, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân). Tính đến nay, toàn tỉnh có 11 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Huế), 03 đô thị loại IV (thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn thuận An mở rộng) và 07 đô thị loại V (thị trấn Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre) với tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 52,7% (tăng 9,6% so năm 2009).
Trong buổi làm việc ngày 06/01/2019, chính quyền tỉnh có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; ngày 01/2/2019, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định 300/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh... Một vài chia sẻ của ông về tầm nhìn, những điểm nhấn phát triển của tỉnh trong những năm tới?
Với đặc điểm nổi trội về đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tỉnh nhằm phát huy các giá trị lợi thế khác biệt để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.
Về quan điểm: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị di sản, văn hóa, xanh, thông minh; xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tới cần phù hợp quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững; đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển công nghiệp và xây dựng, có tính nền tảng và có lợi thế so sánh, phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu; phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hoá, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn.
Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp dụng các hình thức thu hút đầu tư đa dạng, hấp dẫn để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao và các giải pháp đổi mới công nghệ, chế tạo sản phẩm mới... tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào những khâu, công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Xây dựng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm và đầu tư tập trung, dứt điểm, kiên quyết hoàn thành những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế then chốt theo hướng hiện đại và tương đối đồng bộ ở các vùng động lực phát triển các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông thiết yếu, đường ven biển, đường vành đai biên giới. Hiện đại hoá sân bay, cảng biển, một số tuyến đường bộ trọng yếu nối kết phát triển vùng và hệ thống giao thông đô thị.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường” xứng tầm với trung tâm Văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực; kết hợp phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó xác định: du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và ngành công nghiệp tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp sạch, bền vững ứng dụng công nghệ cao.
Ông nhìn nhận sao về quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn những năm gần đây; đâu là những “điểm nghẽn” tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ trong năm 2019?
Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, song còn tồn tại những “điểm nghẽn"” như: vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đồng thời triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, cụ thể như sau:
Thứ nhất: UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 15/3/2019 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Đảm bảo duy trì vị trí xếp hạng PCI tỉnh ở nhóm “tốt” hoặc top đầu của “Nhóm khá”.
Thứ hai: ban hành các quyết định về kiện toàn Hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa và tái định cư trên địa bàn tỉnh. Thành phần Hội đồng tư vấn là lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương nơi triển khai dự án.
Thứ ba: hình thành và đưa vào hoạt động Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để xem xét hỗ trợ cho vay đầu tư vào dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư: ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư; trách nhiệm của Tổ công tác là làm đầu mối hỗ trợ 24/24 giờ với các nhà đầu tư của dự án trọng điểm và nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại địa bàn tỉnh.
Thứ năm: thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp giải quyết đối với các dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm tiến độ.
Thứ sáu: đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, hiện tại hệ thống hành lang pháp lý mới liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng,… như Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn đã có hiệu lực là cơ sở quan trọng để khắc phục tháo gỡ các khó khăn trên.
Những chia sẻ của ông và cam kết của chính quyền tỉnh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn?
Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, những tiềm năng này chưa được khai thác và phát huy đúng mức để tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế. Để thay đổi một cách căn bản vấn đề này, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tận dụng khoa học và công nghệ không chỉ để giải quyết các vấn đề trước mắt, mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng thành phố Huế đạt tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại hội nhập quốc tế. |
Về phía chính quyền, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, tôi cam kết quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Một là, quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Cung cấp các dịch vụ công qua mạng điện tử cấp độ 4 như đăng ký kinh doanh (Thừa Thiên Huế là tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký trực tuyến qua mạng), thuế, hải quan... Duy trì kênh đối thoại trực tuyến “Trao đổi và tháo gỡ” được tổ chức định kỳ 02 tháng/01 lần giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân; đảm bảo 100% các cơ quan có bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Hai là, tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ngoài ra,UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành, thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tư vấn chính sách, hỗ trợ pháp lý, nắm bắt các khó khăn vướng mắc kịp thời đề xuất tháo gỡ.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tôi mong muốn nhận được sự chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, làm cho các chính sách, định hướng phát triển của tỉnh được ban hành có tính hiệu quả, khả thi và đồng thuận cao; làm tiền đề cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả, từng bước tạo nên một Thừa Thiên Huế năng động, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!