HÀ GIANG

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Hà Giang Sức hút lớn với nhà đầu tư

14:19:15 | 18/7/2019

Trên cơ sở phê duyệt Quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ về phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Hà Giang cùng các chính sách ưu đãi tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và cửa khẩu quốc gia Xín Mần đã tạo sức hút lớn cho nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Đỗ Viết Hợp - Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang. Hà Thành - Vũ Thủy thực hiện.

Ông có thể cho biết việc quy hoạch và thu hút các dự án tại KKTCK Thanh Thủy đã được tiến hành triển khai ra sao?

Căn cứ theo quy hoạch phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã phân chia cụ thể các khu chức năng tại KKTCK Thanh Thủy, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã tiến hành thiết lập các dự án cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, HĐND tỉnh đối với các nhà đầu tư, DN đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biên mậu, gồm 2 dự án: Khu Thương mại Nà La và dự án đầu tư hệ thống kho bãi logistics khu bờ Đông sông Lô, thuộc địa bàn xã Thành Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tất cả các dự án này, tỉnh đều giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đến nay, tất cả các dự án tại KKTCK Thanh Thủy đều có nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đăng ký và hoàn tất các thủ tục pháp lý cho việc thực hiện triển khai dự án đầu tư.

Theo đó, dự án Khu thương mại Nà La gồm có dự án thành phần: Chợ biên mậu Nà La; tổng kinh phí đầu tư khoảng 35 tỷ đồng (từ nguồn vốn DN); lộ trình thực hiện từ 2017-2020.

Dự án Kho ngoại quan; tổng kinh phí đầu tư khoảng 51 tỷ đồng (từ nguồn vốn DN đầu tư); lộ trình thực hiện từ 2017 - 2020.

Dự án Khu kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp; tổng kinh phí đầu tư khoảng 65 tỷ đồng (từ nguồn vốn DN); lộ trình thực hiện từ 2017-2020.

Dự án Bãi bốc xếp trung chuyển hàng hóa; tổng kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng (từ nguồn vốn DN); lộ trình thực hiện từ 2017-2020.

Dự án Bãi đỗ xe; tổng kinh phí đầu tư khoảng 28 tỷ đồng (từ nguồn vốn DN); lộ trình thực hiện từ 2017-2020.

Dự án Tổ hợp thương mại tổng hợp logistics khu bờ Đông sông Lô; tổng kinh phí đầu tư khoảng 394,1 tỷ đồng (vốn chủ đầu tư tự có 20%; vốn vay và huy động các tổ chức tín dụng: 80%).

Còn việc quy hoạch và thu hút các dự án tại KKTCK Xín Mần được thực hiện như thế nào?

Kể từ cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Bất động sản và Phát triển hạ tầng Hoàng Gia (Công ty Hoàng Gia) đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án “Nhà ở thương mại - Trung tâm kinh doanh tổng hợp và dịch vụ kho vận cửa khẩu Xín Mần” tại cửa khẩu Xín Mần và đã được tỉnh Hà Giang chấp thuận cho phép khảo sát, lập đề án kinh tế kỹ thuật cho các các hạng mục của dự án để các cấp, các ngành chức năng của tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Qua xem xét, nghiên cứu quy hoạch 1/500 và đối chiếu với các quy định của pháp luật cũng như tại thực địa triển khai dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế và các ngành chức năng đề xuất với Công ty Hoàng Gia về một số hạng mục chưa phù hợp tại bản đồ quy hoạch. Đó là quy hoạch phần hạ tầng đường giao thông mặt cắt ngang đường giao thông quá nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ việc kết nối các hạng mục của dự án, đặc biệt không đảm bảo cho các xe tải chở hàng hoạt động.

Thêm vào đó, diện tích quy hoạch kho bãi nhỏ hơn so với quy định. Trong khi đó, diện tích quy hoạch nhà ở, khách sạn lại quá lớn so với tổng diện tích. Trong quy hoạch cũng thiếu bãi tập kết hàng hóa và phương tiện, địa điểm thu gom hàng lẻ gọi tắt là kho CFS. Ngoài ra, một số hạng mục cần thiết phải bổ sung như: hệ thống cung cấp xăng dầu, hệ thống xử lý rác thải tại khu vực,…

Tiếp nhận ý kiến đóng góp của Ban quản lý Khu kinh tế và các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang, ngày 20/5/2019, Công ty Hoàng Gia đã hợp tác cùng Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế xây dựng Hà Giang tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc) giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đây chính là việc đồng hành tích cực, hiệu quả của Ban Quản lý Khu kinh tế cùng các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang để việc xây dựng đề án đạt tính khả thi cao hơn để tiến tới triển khai dự án đạt hiệu quả tốt hơn.

Vậy tính đến thời điểm hiện nay, riêng KKTCK Thanh Thủy đã thu hút được bao nhiêu dự án và hiệu quả hoạt động như thế nào, thưa ông?

Tính đến nay, tại KKTCK quốc tế Thanh Thủy đã có 36 DN được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu, với tổng số tiền thuê đất được miễn, giảm mỗi năm trên 2,7 tỷ đồng. Tỉnh cũng có nhiều chính sách miễn giảm các loại phí, lệ phí khi tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên trong những năm qua; thu hút 42 DN đăng ký đầu tư vào KKTCK Thanh Thủy, 44 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 2.719 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương và đảm bảo an ninh trật tư trên tuyến biên giới.

Trân trọng cảm ơn ông!