Thời gian qua, Sở Tài chính Hà Giang cùng với các đơn vị ngành tài chính địa phương đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chủ động triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hà Việt Hưng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Hà Giang đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum. Duy Bình thực hiện.
Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2018?
Trong năm 2018, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tạo tiền đề phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách địa phương (NSĐP). Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tăng cường công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, tăng cường quản lý thu, quyết liệt chống thất thu, quản lý chặt chẽ công tác thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao. Nhìn chung, các nhiệm vụ ngân sách năm 2018 được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm năm 2018 đạt được những kết quả cơ bản sau:
Tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2018 là 2.081 tỷ đồng, tăng 2,3% so với dự toán Trung ương giao, tăng 8,1% so với thực hiện năm 2017.
Tổng chi NSĐP 13.376 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 2.993 tỷ đồng, chi thường xuyên 7.926 tỷ đồng
Bên cạnh những kết quả đạt được năm 2018, việc thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2019 còn gặp những khó khăn gì?
Năm 2019, những thách thức chung đặt ra đối với ngành tài chính là: căng thẳng thương mại giữa một số nước gia tăng; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường; nguy cơ dịch bệnh bùng phát...
Với tỉnh Hà Giang, ngoài những khó khăn đã nêu trên thì còn gặp nhiều khó khăn trong việc phấn đấu thực hiện đạt và vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn, như quy mô DN trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, sản phẩm cạnh tranh thấp, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB), thanh toán vốn đầu tư XDCB giảm nhiều so với cùng kỳ; tỷ trọng tờ khai phát sinh thuế phải nộp trên tổng tờ khai thuế đã nộp hàng tháng bình quân chỉ đạt 41%.
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành NSNN trên địa bàn, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, Sở Tài chính tập trung thực hiện những giải pháp nào trong năm 2019?
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành NSNN trên địa bàn, năm 2019, ngành tài chính Hà Giang xác định một số giải pháp giải pháp cụ thể như sau:
Kiên quyết thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, bám sát chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra theo Chương trình số 28-CTr/TU ngày 18/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 07/9/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Tham mưu điều hành chi NSĐP năm 2019 theo dự toán được giao, quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư công; nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Làm tốt công tác theo dõi, phân tích, dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý giá trên địa bàn theo thẩm quyền. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định để tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Thúc đẩy việc cam kết đồng hành cùng với DN, hỗ trợ và tạo điều kiện để DN phát triển, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm gia tăng thu nhập ở những vùng khó khăn, giúp giảm nghèo bền vững...
Trân trọng cảm ơn ông!