Tỉnh Hà Giang đang dần trở thành “miền đất hứa” của các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh tạo đột phá trong cải cách hành chính với việc thực hiện giao nhiệm vụ theo cơ chế: “mỗi việc một cơ quan chủ trì, một người phụ trách, một thời gian hoàn thành và một kết quả nhất định” và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ. Tạp chí Việt Nam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Lợi - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Duy Bình thực hiện.
Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong thu hút đầu tư của tỉnh Hà Giang trong thời gian gần đây và những mục tiêu đặt ra đến năm 2020?
Hoạt động xúc tiến đầu tư được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm bằng việc tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá môi trường, chính sách đầu tư, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) khi đến với Hà Giang như: Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” với các đối tác nước ngoài tại Hà Nội; gặp mặt các nhà đầu tư và tổ chức các Hội nghị xúc tiến du lịch “Sắc màu Hà Giang” tại thành phố Cần Thơ; quảng bá, giới thiệu tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Xúc tiến thương mại đầu tư (Bộ Công Thương) tổ chức… Đồng thời, tỉnh đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 – 2020; thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng DN đang đầu tư trên địa bàn để nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Trong năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, đất đai để thu hút vốn đầu tư từ các DN như: Tập đoàn TH với các dự án trồng, chế biến dược liệu và chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa; Tập đoàn VinGroup với dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại ShopHouse; Khu phức hợp Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống của Công ty du lịch và lữ hành Miền đất Việt…
Tỉnh cũng chủ động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và các đối tác đầu tư; tổ chức tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Vì vậy, nhiều DN như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thiên Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ… đã tìm đến Hà Giang để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Từ các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, đến nay đã có 29 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn trên 1.505 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án xây dựng thủy điện; 10 dự án khai thác, chế biến khoáng sản; 14 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giao thông… Ngoài ra, đã có 7 dự án ODA được ký kết hiệp định và xây dựng đề xuất vay vốn đầu tư; 15 dự án được thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đặc biệt, tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 6 tỉnh Việt Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc và các địa phương trong và ngoài nước. Qua đó, lượng khách du lịch đến tỉnh ngày càng tăng, doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ đạt trên nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Giang tăng 3 bậc đứng thứ 52/63 tỉnh thành. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả này? Để tiếp tục gia tăng điểm số, cải thiện thứ hạng trong năm 2019, tỉnh Hà Giang cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp nào?
Nhờ việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục đầu tư, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm một số thủ tục đã tạo điều kiện thuận lợi cho cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư dự án; cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, thành lập DN và giải quyết dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3. Với nỗ lực không ngừng, chỉ số PCI Hà Giang tăng 3 bậc trong năm 2018, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, Hà Giang tăng chủ yếu ở chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (từ 6,26 năm 2017 lên 7,31 năm 2018) và chỉ số chi phí không chính thức (tăng từ 4,49 năm 2017 lên 5,14 năm 2018); một số chỉ số cũng tăng, như: tính năng động của chính quyền tỉnh; đào tạo lao động.
Nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện các TTHC, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính. Tạo chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và DN; cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản. Thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và UBND cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực liên quan trực tiếp với người dân và DN; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch. Phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra DN, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra DN, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Hà Giang sẽ thực hiện những chủ trương gì để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hỗ trợ DN , thưa ông?
Chính quyền tỉnh Hà Giang cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các DN thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến; kịp thời ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống, xã hội. Tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch đột phá chung của tỉnh, kế hoạch đột phá của các ngành, địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI