LẠNG SƠN

Lạng Sơn với việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

13:59:51 | 27/9/2019

Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách; ban hành các văn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (DN), qua đó tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh.


Bà Hoàng Thúy Duyên – Giám đốc Sở Tư pháp

Tích cực trong cải cách thể chế

Năm 2019, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và chất lượng thẩm định của Sở Tư pháp đối với dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh. Sở cũng có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành liên quan đến các chỉ tiêu thành phần về tính minh bạch, thiết chế pháp lý do Sở làm đầu mối nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI; đồng thời rà soát các văn bản QPPL liên quan đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, phù hợp.

Sở cũng chú trọng nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL của tỉnh đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, nhất là các dự thảo liên quan đến thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong 9 tháng đầu năm, Sở đã thực hiện góp ý 188 dự thảo văn bản, thẩm định 38 dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; Sở thực hiện tốt công tác kiểm tra văn bản QPPL, giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 25 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra 11 văn bản do UBND cấp huyện gửi đến theo thẩm quyền; cập nhật 25 văn bản do UBND tỉnh ban hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL, đáp ứng nhu cầu tra cứu và tìm hiểu của người dân và DN.

Bên cạnh đó, Sở đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là tập trung vào các văn bản luật mới được ban hành, chính sách của tỉnh trong phát triển DN, sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp.

Tạo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân

Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho DN, Sở đã tổ chức các hội nghị, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh thương mại theo chuyên đề, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, trao đổi kiến thức pháp luật về kinh doanh thương mại; phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư pháp triển khai đề án 585 về hỗ trợ pháp lý cho DN.

Về công tác cải cách hành chính, bà Hoàng Thúy Duyên – Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Sở đã cấp 1259 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân theo quy định; cấp đăng ký hoạt động cho các tổ chức, cá nhân hành nghề theo chức năng, đảm bảo đúng quy định, tạo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi đến làm việc. Bên cạnh đó, Sở còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành công tác tư pháp; chỉ đạo ứng dụng phần mềm quản lý văn bản; hệ thống phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 226 xã, phường, thị trấn và 11 phòng tư pháp cấp huyện; góp phần nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xử lý công việc.

Cùng với việc tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và của ngành về công tác CCHC, thời gian tới Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện cập nhật kịp thời, niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC theo quy định của pháp luật. Đăng tải bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết lên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, phục vụ tốt nhu cầu tra cứu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tổ chức và công dân. Sở đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Quyết định công bố 148 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; trình ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh đối với 42 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức và công dân. Sở đã cử công chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đầy đủ; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho công chức thực hiện TTHC các kỹ năng, nghiệp vụ trong giải quyết công việc để đáp ứng được yêu cầu CCHC, hướng tới sự hài lòng cho tổ chức và người dân đến liên hệ làm việc và giải quyết công việc.